Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Sáu tháng đầu năm 2018, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực tuy còn nhiều khó khăn, thách thức.
Đối với công tác tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, toàn Ngành đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, nhất là 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Báo cáo số 01/BC-BTP (ngày 02/01/2018) của Bộ Tư pháp và 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu theo Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 01/01/2018) của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Ngay từ đầu năm, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ trọng tâm công tác và sớm xây dựng Chương trình hành động của Ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ để triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã luôn bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được thực hiện quyết liệt, có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu, sát với khả năng, điều kiện thực tế để triển khai công việc.
Toàn Ngành thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm (đã hoàn thành 47/48 nhiệm vụ có thời hạn 6 tháng đầu năm, đạt 97,92%) và hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ nhiều nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành được đẩy mạnh, các chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ tiếp tục được cải thiện.
Việc triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đạt nhiều kết quả, nổi bật là: Việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngày càng nghiêm túc hơn, nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm so với cùng kỳ; công tác phổ biến giáo dục pháp luật từng bước được đổi mới, xuất hiện một số mô hình hay, hiệu quả; kết quả thi hành án dân sự về tiền đạt cao; giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, nhất là trong cấp Phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm, gắn với việc hiện đại hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính; việc xã hội hoá các nghề tư pháp được thực hiện thận trọng, hiệu quả hơn, chất lượng hành nghề được cải thiện, quy trình cấp phép dần được chuẩn hoá; các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy được thực hiện bài bản; việc phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư được chú trọng và đạt nhiều kết quả cụ thể; một số lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2018 còn có một số tồn tại, hạn chế. Chỉ ra các nguyên nhân, Bộ Tư pháp xác định các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm, đó là tiếp tục cụ thể hoá và tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Trong đó, ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ thể chế hoá các nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, thứ sáu, thứ bảy khoá XII của Ban Chấp hành TƯ; các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết số 48/2017/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ.
Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành; lề lối, kỷ cương, kỷ luật công việc; chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm. Gắn việc chỉ đạo triển khai với việc phát huy hiệu quả các công cụ quản lý kiểm tra; thanh tra, nhất là thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; xử lý vi phạm.
Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm kịp thời, chính xác, tạo cơ chế cho các Sở Tư pháp có ý kiến trao đổi, cung cấp thông tin đầy đủ trước khi quyết định.
Cùng đó, thực hiện các giải pháp để tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ; chú trọng tự đào tạo, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực hiện nhiệm vụ và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành.
Thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thực chất, phản ánh đúng năng lực, kết quả công tác. Quan tâm giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Bộ Tư pháp cũng xác định: tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ với các cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc chuyên môn, nghiệp vụ; mở rộng việc tiếp nhận, xử lý văn bản trên môi trường mạng; tăng cường sử dụng các phần mềm hỗ trợ công việc trong các lĩnh vực chuyên ngành.