Theo đề xuất của VAFI, tháng 2 tới sẽ là thời điểm thuận lợi để Ngân hàng nhà nước có chính sách khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ.
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có 5 đề xuất bình ổn thị trường tiền tệ, trong đó nhấn mạnh việc cần có lộ trình hạ dần lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ để giảm lãi suất huy động VND.
Cần có lộ trình hạ dần lãi suất huy động.
Tại thời điểm này lãi suất huy động tiền gửi trong hệ thống ngân hàng đã ổn định, giảm tình trạng căng thẳng trong huy động vốn với lãi suất cao, lãi suất huy động sẽ trong xu hướng đi xuống vào tháng 2/2011, tương ứng với chỉ số CPI giảm mạnh.
Thế nên, theo đề xuất của VAFI, tháng 2 tới sẽ là thời điểm thuận lợi để Ngân hàng nhà nước có chính sách khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ. Tỷ lệ khống chế bước đầu nên ở mức khoảng từ 3% - 3,5%/năm cho toàn bộ hệ thống ngân hàng. “Việc áp đặt mức khống chế này sẽ góp phần hạ nhanh lãi suất huy động VND, đồng thời có tác dụng thu hẹp chênh lệch về tỷ giá ngoại tệ giữa thị trường tự do và thị trường chính thức”, VAFI nói.
Bên cạnh đó, VAFI còn đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại chính sách cho doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ dùng làm vốn lưu động thu mua nguyên liệu, hàng xuất khẩu. Chính sách này đã làm cho cầu ngoại tệ tăng nhanh, dẫn tới việc các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động ngoại tệ lên tới mức khoảng 5%/năm.
Khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ tăng nhanh, khoảng 5%, cộng với những dấu hiệu lạm phát… đã kích thích nhiều người gửi tiền lựa chọn phương thức gửi tiết kiệm ngoại tệ và như vậy càng làm cho cầu ngoại tệ tăng lên, dẫn tới tỷ giá thị trường tự do tăng theo.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước nên tổng kết đánh giá lại chính sách cho doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu vay ngoại tệ. VAFI nhận định rằng tháng 2 tới là thời điểm thích hợp để bỏ chính sách này, tạo điều kiện hạ nhanh mặt bằng lãi suất huy động
Ngoài ra, VAFI còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trong các ngân hàng thương mại lên mức 40% hoặc 35%; Nghiên cứu cho phép nhóm nhà đầu tư này được mua loại cổ phần phổ thông nhưng không có quyền biểu quyết.Đây là kinh nghiệm hay của nhiều nước trên thế giới nhằm tạo điều kiện tăng vốn hoạt động cho hệ thống ngân hàng thương mại. Chẳng hạn như Thái Lan cho phép NĐTNN sở hữu mức không quá 49%/vốn điều lệ đối với cổ phiếu phổ thông và cho phép được mua thêm cổ phiếu phổ thông không có quyền biểu quyết.
Đối với các công ty niêm yết đang qui định tỷ lệ sở hữu của NĐTNN không quá 49%/vốn điều lệ, VAFI cũng đề nghị Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu cơ chế cho phép NĐTNN được mua loại cổ phần phổ thông không có quyền biểu quyết nhằm tạo sự hấp dẫn hơn nữa cho thị trường chứng khoán, đồng thời tăng cường thu hút nguồn vốn FII.
Trong các năm 2008, 2009, 2010, tiến trình cổ phần hóa bị giảm tốc mạnh, chỉ với ít DNNN được cổ phần hóa. (3 năm này không bằng 1/2 của năm 2005). Do đó, VAFI đề nghị trong năm 2011 phải có bước ngoặt trong việc thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN. Cũng trong năm tới, Nhà nước nên tập trung thực hiện việc bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp lớn đang và đã cổ phần hóa như: MobiFone, Sabeco, Habeco, PV Oil …
Theo An Hạ