41 sinh viên quốc tế đến từ các quốc gia Hàn Quốc, Nigeria, Cameron, Lào vừa hoàn tất thủ tục nhập học vào Trường Đại học FPT. Đây là lứa sinh viên quốc tế đầu tiên theo học chương trình đại học chính quy do ĐH FPT cấp bằng.
Với định hướng Quốc tế hóa giáo dục toàn diện và mạnh mẽ, kể từ năm 2009 Trường Đại học FPT đã có những sinh viên quốc tế đầu tiên từ Nhật Bản, Đức, Pháp, Bồ Đào Nha, Thái Lan, Triều Tiên, Myanmar, Brunei… đến học tập theo các chương trình trao đổi sinh viên, giao lưu văn hoá tại trường.
Bắt đầu từ năm học 2013, Trường Đại học FPT chính thức có khóa sinh viên quốc tế đầu tiên theo học chương trình đại học chính quy kéo dài 4 năm do Đại học FPT cấp bằng. Đây có thể coi là kết quả khả quan bước đầu trong quá trình nỗ lực đưa giáo dục đại học của Việt Nam nói chung và của Trường Đại học FPT nói riêng ra thế giới.
Sinh viên quốc tế thuộc hai ngành Công nghệ thông tin và Quản trị kinh doanh của Đại học FPT sẽ được học theo giáo trình và nội dung đào tạo đồng nhất với chương trình hiện tại dành cho sinh viên Việt Nam của trường. Bên cạnh đó, các sinh viên quốc tế sẽ được học thêm các nội dung về văn hóa Việt Nam, cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa, chương trình phát triển cá nhân.
41 sinh viên quốc tế hòa chung không khí trong ngày nhập trường 21.9.2013 |
Các sinh viên quốc tế đều cho biết rất hài lòng với cơ sở vật chất của trường và mong muốn sẽ được rèn luyện và học tập trong môi trường đa văn hoá, có thể sớm hoà nhập và thích nghi với môi trường mới tại Việt Nam – đất nước nằm tại trung tâm Châu Á, châu lục đang phát triển mạnh mẽ.
“Việt Nam là một đất nước vô cùng xinh đẹp và dễ mến. Tôi rất yêu quý đất nước và con người nơi đây. Lựa chọn học đại học ở Việt Nam cũng một phần vì lý do đó, tôi muốn được học tập và trải nghiệm trong một môi trường hoàn toàn mới, từ đó có thể khám phá nhiều hơn khả năng của chính mình”, Lee Jaedong, sinh viên người Hàn Quốc cho biết.
Tạo một môi trường học tập quốc tế ngay chính tại Việt Nam là một trong những nỗ lực của Đại học FPT trong việc trang bị cho sinh viên tư duy toàn cầu hoá và khả năng thích nghi, làm việc trong môi trường đa văn hoá, tiến tới nâng cao năng lực cạnh tranh cho nguồn nhân lực Việt Nam. Không chỉ mang lại lợi ích cho chính sinh viên Việt Nam, việc tăng cường tuyển sinh sinh viên quốc tế cũng trở thành một động lực để các trường đại học không ngừng nâng cao chất lượng, hướng tới các chuẩn mực của một trường đại học quốc tế thực sự.
“Trong báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2013-2014 được diễn dàn Kinh tế Thế giới công bố đầu tháng 9/2013, Việt nam đang xếp thứ 95/148 nước về giáo dục đại học. Với một quốc gia tài nguyên hạn chế như Việt Nam, cần xem phát triển giáo dục là yếu tố sống còn để phát triển đất nước, và Báo cáo của Diễn dàn Kinh tế thế giới đã gióng một hồi chuông cảnh báo chúng ta về vấn đề này. Nguồn nhân lực Việt Nam cuối cùng phải tham gia vào nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu, và khi đó các trường đại học Việt Nam không thể né tránh trách nhiệm cần phải đào tạo nhân lực giúp cho doanh nghiệp, rộng hơn là quốc gia – nâng cao được tính cạnh tranh. Bởi vậy chúng tôi coi chiến lược GO GLOBAL - quốc tế hoá toàn diện và sâu sắc là một nhiệm vụ quan trọng và là con đường tất yếu để nâng cao chất lượng giáo dục”, TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT chia sẻ.
Bên cạnh việc tuyển sinh quốc tế, Trường Đại học FPT còn xúc tiến mạnh mẽ các hoạt động như mở cơ sở tại nước ngoài, đẩy mạnh hợp tác với các đại học uy tín trên thế giới, tạo cơ hội cho sinh viên FPT được tham gia các chương trình giao lưu, trao đổi, du học ngắn hạn tại trường bạn.
Trường cũng đang xúc tiến triển khai chương trình Một học kỳ ở nước ngoài – tiến tới sẽ yêu cầu mỗi sinh viên FPT đều bắt buộc có một học kỳ học tập tại nước ngoài, để trải nghiệm và trưởng thành trong môi trường đa văn hóa, từ đó dễ dàng thích nghi và làm việc tại bất kì quốc gia nào trên thế giới sau khi tốt nghiệp.
Theo thống kê của Đại học FPT, 15% sinh viên tốt nghiệp của trường này đã và đang làm việc tại nước ngoài.
Hồng Anh
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu