Hội thi được tổ chức nhằm mục đích động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên tích cực học tập, rèn luyện, sáng tạo, nâng cao kỹ thuật biểu diễn, đạo đức nghề nghiệp và học hỏi kinh nghiệm trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; phát hiện những tài năng trẻ để có kế hoạch đào tạo tại các lớp tài năng hoặc cử đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn ở trong nước và nước ngoài nhằm bổ sung nguồn lực lượng cán bộ giảng dạy, nghệ sĩ giỏi phục vụ cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật của đất nước.
Đồng thời, đánh giá chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật; tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tìm ra giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo, hợp lý cơ cấu đào tạo đáp ứng nhu cầu của ngành và toàn xã hội. Hội thi là cơ hội vinh danh công lao các thầy cô giáo trong việc đào tạo, bồi dưỡng các tài năng trẻ.
Hội thi có 40 cơ sở đào tạo, tham gia thi ở các thể loại: Nghệ thuật sân khấu Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca, Nhã nhạc, Kịch nói, Xiếc, Ca, Múa, Nhạc (truyền thống và đương đại)…với 400 tiết mục. Về hình thức: Biểu diễn dưới dạng tiết mục cá nhân và tập thể, trích đoạn; độc tấu, đơn ca, song ca, tốp ca, hòa tấu, dàn nhạc, có trọng tâm cho đối tượng dự thi tài năng.
Về tiêu chí đánh giá, Ban Giám khảo chấm điểm cho tài năng biểu diễn, sáng tác của các thí sinh dự thi trong các tiết mục thi, chương trình dự thi, thể hiện: Nội dung, chủ đề, tư tưởng tác phẩm dự thi rõ ràng, trong sáng; kỹ thuật biểu diễn, sáng tác, sáng tạo, điêu luyện, kỹ thuật cá nhân, bộc lộ được tài năng, đúng phong cách và thể loại dự thi.
Về giải thưởng, ở mỗi lĩnh vực, Ban Tổ chức sẽ trao các bộ giải thưởng: Giải Nhất, giải Nhì và giải Ba cho các thí sinh tài năng, giải thưởng cho chương trình, tập thể đạt tiêu chí trong Quy chế chấm điểm, xét khen thưởng. Ngoài các giải chính thức, Ban Tổ chức sẽ trao giải Khuyến khích và các giải thưởng khác theo đề xuất của Ban Giám khảo.