Ban Chỉ đạo 127 các địa phương xây dựng, triển khai các phương án đấu tranh, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm xảy ra buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, theo 4 trọng tâm.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn trong điểm xảy ra chống luôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại |
Chỉ đạo công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong thời gian tới, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 các địa phương tập trung vào 4 trọng tâm:
Thứ nhất, chống buôn lậu trên các tuyến biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng), miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) và phía Tây Nam (Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang); tại các khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại. Lưu ý chống nhập lậu các mặt hàng cấm, thuốc lá ngoại, rượu ngoại, đồ điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, điện thoại di động, đường kính... Chống khai thác, chế biến, vận chuyển, trái phép và xuất lậu than, quặng và khoáng sản khác, gỗ quý hiếm, động vật hoang dã...
Thứ hai, tăng cường chống gian lận thương mại tại các khu vực cảng biển, cửa khẩu quốc tế; lưu ý quản lý hoạt động tạm nhập tái xuất hàng hóa, ngăn chặn việc lợi dụng để vận chuyển hàng cấm, chất độc hại, có nguy cơ thẩm lậu cao. Đẩy nhanh chống gian lận trong làm thủ tục hải quan và việc lợi dụng chính sách hoàn thuế để xuất khẩu hàng hóa vào các khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại, sau đó nhập lậu trở lại vào nội địa.
Thứ ba, đẩy mạnh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền sử hữu trí tuệ gắn với việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tập trung mặt hàng vật tư nông nghiệp, gas, xuất bản phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, xe hai bánh gắn máy và các hàng hóa khác liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, môi sinh môi trường. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác này, có giải pháp khuyến khích sự tham gia của hiệp hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thứ tư, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá, kiểm soát chặt chẽ việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết và hoạt động kinh doanh vàng, thu đổi ngoại tệ trái phép, góp phần thực hiện các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nhập siêu và ngăn chặn lạm phát cao trở lại mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15/1/2010 và số 18/NQ-CP ngày 6/4/2010.
Vì lợi ích chính đáng của người sản xuất, đặc biệt là người nông dân
Tiếp tục xác định công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Hiệp hội Gas Việt Nam cho công tác đấu tranh, phòng, chống sản xuất, kinh doanh gas trái phép, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2010.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đánh giá toàn diện tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với mặt hàng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi...Từ đó có phương án, giải pháp đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả việc đưa các mặt hàng này vào diện sản xuất, kinh doanh có điều kiện để bảo đảm yêu cầu quản lý cũng như quyền, lợi ích chính đáng của người sản xuất, kinh doanh chân chính, đặc biệt là người nông dân. Nhiệm vụ này phải được báo cáo, kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2010.
Cũng trong tháng 8/2010, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc Tổng cục Hải quan nắm lại tình hình tạm nhập tái xuất rượu ngoại, thuốc lá ngoại và việc thẩm lậu vào nội địa các mặt hàng này.
Nguồn: Chinhphu.vn