Việc xử lý Dioxin tồn dư trong đất tại sân bay Đà Nẵng - nơi được coi là có lượng dioxin tồn dư lớn nhất Việt Nam, sẽ thực hiện bằng công nghệ hấp tỏa nhiệt với kinh phí lên tới 34 triệu USD. Ngày 13/1, tại Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng và USAID Việt Nam đã tổ chức hội thảo về Kỹ thuật Xử lý môi trường, đánh giá, thiết kế kỹ thuật và kế hoạch cô lập Dioxin tồn dư tại Sân bay Đà Nẵng.
Khu vực tồn dư Dioxin tại sân bay Đà Nẵng được đánh giá là cao nhất Việt Nam |
Theo Đại tá, PGS.TS Phạm Đình Chiến, Trưởng Phòng KHCN môi trường, Quân chủng Phòng không không quân, Bộ Quốc Phòng Việt Nam: “Công nghệ xử lý Dioxin tồn dư trong đất tại sân bay Đà Nẵng sẽ thực hiện bằng công nghệ hấp tỏa nhiệt. Dưới nhiệt độ cao khoảng 300 độ C, lượng Dioxin này sẽ bị phân hủy. Sau khi xử lý xong, lượng đất này sẽ được trả lại môi trường tự nhiên”.“Để thực hiện được quá trình nhiệt hóa, dự án cần lượng điện năng rất lớn với công suất 6MW liên tục, nên hiện tại chúng tôi đang tiến hành ký hợp đồng với điện lực Đà Nẵng về cung cấp điện cho bể xử lý nhiệt”, Đại tá Phạm Đình Chiến cho biết thêm. Dự án “tẩy rửa” Dioxin tồn dư trong đất tại sân bay Đà Nẵng sẽ được bắt đầu từ tháng 2/2011 và hoàn tất vào năm 2013. Tổng mức kinh phí đầu tư cho dự án này lên đến gần 34 triệu USD.
Theo VTC.vn