Phát động vào tháng 12/2019, cuộc thi đã nhận được 412 tác phẩm của 206 tác giả từ mọi miền đất nước, trải rộng trên 8 vùng sinh thái lâm nghiệp. Các tác phẩm dự thi thuộc 3 thể loại thơ, truyện ngắn, phóng sự, với lượng bài từ 34 đến 238 bài/thể loại.
Trên cơ sở tiêu chí chấm thi, sau vòng chấm sơ khảo, Ban Giám khảo chọn ra được 61 tác phẩm vào vòng chung khảo. Kết quả đã lựa chọn được 32 tác phẩm đoạt giải, trong đó có 2 giải nhất thể loại thơ và truyện ngắn; 6 giải nhì, 9 giải ba và 15 giải khuyến khích cho cả 3 thể loại tác phẩm.
Cụ thể, với thể loại thơ, tác giả Đặng Cương Lăng đến từ Hà Nội đạt giải nhất với tác phẩm "Lá biếc - Phận rừng"; hai tác giả đạt giải nhì là Phan Đức Lộc đến từ Điện Biên với tác phẩm "Đời rừng" và Bùi Minh Vũ đến từ Đăk Lăk với tác phẩm "Cha dạy con"; ba giải ba gồm tác phẩm "Mẹ rừng" của Tô Hoàn đến từ Bắc Giang, "Xin được hóa thân" của Đào Thị Mai đến từ Thanh Hóa và tác giả Đặng Bá Tiến đến từ Đăk Lăk với bài thơ "Chuyện của mí".
Với thể loại truyện ngắn, giải nhất thuộc về tác giả Nguyễn Trí đến từ Đồng Nai với tác phẩm “Cây bằng lăng đẫm máu” kể câu chuyện vô cùng cảm động, huyền bí những đầy ý nghĩa nhân văn, nhân quả về việc phá rừng và công cuộc bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Cát Tiên.
Hai tác giả đạt giải nhì thể loại truyện ngắn là Nguyễn Anh Dũng đến từ Điên Biên với tác phẩm "Lạc rừng" và Châu Hoài Thanh đến từ Bà Rịa Vũng Tàu với tác phẩm "Sống chết với rừng"; ba tác phẩm đạt giải ba, bao gồm: "Cánh rừng có nhiều hoa cúc dại" của tác giả Thái Sinh đến từ Yên Bái, Đoàn Hữu Nam đến từ Lào Cai với tác phẩm "Dối giời, dối thần, dối người" và "Vòng quay hoàn hảo" của Đào Việt Hải đến từ Thái Nguyên.
Riêng thể loại phóng sự năm nay không có giải nhất, theo đó hai tác phẩm đạt giải nhì là "Khu rừng cụ Cử" của Nguyễn Trần Bé đến từ Hà Giang và "Mật ngọt từ rừng Mã Yên" của tác giả Công Thế đến từ Lào Cai.
Ba tác phẩm đoạt giải ba thể loại phóng sự là "Người ở lại rừng" của Nguyễn Minh Phúc đến từ Kiên Giang, Đỗ Nhật Minh đến từ Bắc Giang với tác phẩm "Người của rừng" và "Giữ rừng nơi thâm sơn cùng cốc" của Nguyễn Thành Nam đến từ TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chúc mừng và bày tỏ mong muốn các tác giả sẽ trở thành các tuyên truyền viên lan tỏa các kiến thức về pháp luật lâm nghiệp, về bảo vệ và phát triển rừng, qua đó, đóng góp tốt hơn nữa cho ngành lâm nghiệp Việt Nam.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh, sự lan tỏa thành công của Cuộc thi viết “Rừng là cuộc sống của tôi” năm 2020 là sự kiện vô cùng ý nghĩa khởi đầu cho chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Lâm nghiệp Việt Nam.