Làm sao để khắc chế những kẻ thù khiến đôi mắt trải đời của người cao tuổi phải khốn đốn.
1. Đục thủy tinh thể: Đây là căn bệnh cướp đi ánh sáng từ đôi mắt người cao tuổi nhiều nhất hiện nay. Biểu hiện của bệnh là nhìn mờ cả hai bên khá cân xứng như nhìn qua ống. Mức độ giảm thị lực cũng rất khác biệt, từ mức còn một vài phần mười đến mức chỉ còn nhận biết được ánh sáng. Một số người già tự nhiên lại đọc sách được mà không cần kính khi họ bị đục thể thủy tinh. Có người bệnh than phiền vì cảm giác nhìn thấy nhiều vật cùng một lúc, nhìn như qua sương mù…
Nguyên nhân gây đục thể thủy tinh do tuổi tác chiếm tới 99%. Ngoài ra, di truyền, môi trường sống, rối loạn dinh dưỡng, hút thuốc, uống rượu… cũng là nguyên nhân gây bệnh. Hiện nay, phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả nhất là phẫu thuật thể thủy tinh nhân tạo có thể giúp thị lực phục hồi nhanh chóng và tỷ lệ biến chứng ít.
2. Thoái hóa hoàng điểm: Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa cho lứa tuổi trên 50. Dấu hiệu nhận biết là thị lực vùng trung tâm kém dần, nhìn mọi vật thấy hình xoắn vặn, sóng hoặc có điểm mờ ngày càng lớn. Bệnh nhân khó làm việc trong khoảng cách gần. Có thể ban đầu chỉ xuất hiện ở một mắt, sau khoảng 3 – 5 năm, mắt còn lại cũng sẽ mắc bệnh.
3. Tăng nhãn áp (glocom): Là căn bệnh gây nên tỷ lệ mù lòa chỉ sau bệnh đục thủy tinh thể. Các triệu chứng của bệnh glocom rất dễ bị nhầm lẫn với bị đau đầu thông thường nên người bệnh hay chủ quan. Thường bệnh đau ở hai hốc mắt, đau đỉnh đầu, "đau như búa bổ" sau gáy kèm theo buồn nôn hoặc sốt nóng, sốt rét, mắt mờ nhìn thấy "bảy sắc cầu vồng". Khi bệnh trầm trọng, mí mắt sưng húp, chảy nước, mắt đỏ, đồng tử giãn, sợ tiếp xúc với ánh sáng. Đó là bệnh glocom góc đóng. Còn bệnh glocom góc mờ triệu chứng bệnh không rõ ràng, thể bệnh nhãn áp không cao, bệnh diễn ra từ từ không đau nhức… Việc phát hiện sớm bệnh glocom chiếm đến hơn 50% sự thành công trong điều trị. Vì vậy, người cao tuổi nên đi khám mắt thường xuyên.
Những cách tiêu diệt kẻ thù của mắt
- Luôn ghi nhớ, hút thuốc, uống rượu, phơi nắng quá nhiều, uống cà phê, ăn nhiều đường, sữa… đều là tác nhân làm giảm nồng độ các enzyme chống oxy hóa, tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt.
- Cần bổ sung các thực phẩm giàu chất vitamin A, E, B1, B2… trong các loại quả tươi có màu đỏ, màu xanh đậm: cà rốt, súp lơ, bắp cải, đỗ lạc, hạt sen, các loại thịt, gan, thận, tim… là cách tốt nhất làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt ngay khi còn trẻ.
- Người bệnh đục thủy tinh thể không ăn tảo, thực vật biển, sò ốc, sản phẩm từ sữa ít béo, socholate, gà công nghiệp… vì đây là những nguồn chứa vanadium (khoáng tố giúp xương mau lành) rất độc hại cho mắt.
- Khi làm việc, phải dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi. Mỗi giờ nên nhắm mắt khoảng hai phút, ra ngoài hít thở khí trời. Trong văn phòng nên có cây xanh để không khí được lọc trong lành. Dành thời gian thư giãn, tập thể dục cho mắt vào lúc 10 giờ sáng và 3giờ chiều.
- Để đề phòng bệnh glocom, ngoài việc ăn các thực phẩm giàu vitamin nói trên, bạn nên tích cực ăn cháo từ các loại đậu, gạo có tác dụng lợi thủy. Chú ý, hạn chế uống nhiều nước cũng như ăn thịt mỡ, lòng đỏ trứng… vì sẽ làm nhãn áp tăng làm bệnh nặng thêm.
- Dù là trời mùa đông hay mùa hè, khi ra đường, hãy bảo vệ mắt bằng cách đeo kính phù hợp. Sau khi về nhà, bạn đừng quên làm sạch mắt bằng cách nhỏ cách loại thuốc nhỏ mắt có tính chất tẩy rửa nhẹ nhàng. Điều này sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ đau mắt đỏ.