Ths tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đưa ra 3 điều cần tránh và 5 điều cần làm của phụ huynh khi có con đang chuẩn bị bước vào các kỳ thi.
3 điều phụ huynh cần tránh
Một là, “hăm he” gây áp lực cho con. Đôi khi chúng ta nghĩ cần phải làm như thế để cho con có động lực chăm chỉ dùi mài. Kết quả là nhiều học sinh đã khóc khi đến tư vấn vì trong đầu luôn ám ảnh “Lo cho ăn học 12 năm trời, kỳ này mà thi rớt thì đừng có trách!” hay “Kì này mà không đậu thì đi lấy chồng, không học hành gì nữa cả!”. Sự oằn mình gánh nặng kỳ vọng của mẹ cha sẽ làm cho trẻ mất khả năng tập trung, dễ rơi vào trạng thái lo âu trầm cảm.
Sự oằn mình gánh nặng kỳ vọng của mẹ cha sẽ làm cho trẻ mất khả năng tập trung, dễ rơi vào trạng thái lo âu trầm cảm. |
Hai là, thờ ơ cho trẻ tự bơi. Đôi khi chúng ta nghĩ cần phải làm như thế để con tự lập và không cảm thấy áp lực. Kết quả là nhiều học sinh cảm thấy bơ vơ, “cha mẹ sao mà vô tâm đến vậy!”. Chúng ta nên nhớ trong những lúc căng thẳng, tâm lý người ta rất cần sự chia sẻ và đồng cảm từ ai đó để vơi đi phần nào áp lực mình đang nặng đeo mang.
Ba là, quan tâm không đúng cách. Nhiều cha mẹ chăm chút cho con từng li từng tí, hỏi han sít sao, đồng hành “mọi lúc mọi nơi”. Điều đó cũng sẽ khiến cho các sĩ tử nhiều khi cảm thấy…phiền phức và vô tình bị ám thị rằng kì thi này là một cái gì đó rất ư là ghê gớm.
5 điều phụ huynh nên làm để con mình có kết quả tốt
Một là, “đả thông tư tưởng” cho con. “Cha mẹ yêu con chứ không phải yêu điểm của con, vì vậy việc thi đậu hay chưa đậu không phải là số một mà quan trọng là con có thi hết mình hay chưa”. Cha mẹ mong con làm hết sức mình nhưng cũng “mở” cho con một cánh cửa, một lối thoát, cho con được “quyền” không đậu nếu như khả năng con chưa tới.
Hai là, trở thành “lò sưởi” cho con. Hãy làm những hành động đơn giản thôi nhưng ấm áp: Sáng dậy sớm cùng con, nấu một bữa ăn sáng cho cô cậu nhỏ. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sửa lại cái đèn cho đủ sáng, nhắc mấy đứa nhỏ mở nhạc bé bé cho anh hai/chị hai của con học bài. Bàn học của con lúc này có thêm cái bình hoa thơm thơm hay dĩa trái cây nhỏ nhỏ. Thỉnh thoảng ghé qua thăm hỏi: “Sáng giờ mệt không con? Uống ly sinh tố mẹ để trong tủ lạnh ấy!”
Những hành động đơn giản thế thôi nhưng có thể làm bọn trẻ phát khóc vì cảm động! Đó chính là cách “bơm vitamin” tốt nhất cho tinh thần của con mình.
Ba là, giúp con “tỏa sáng” qua…nhà bếp! Một tinh thần minh mẫn nằm trong một cơ thể tráng kiện. Nên nấu những món ăn bổ dưỡng, bổ sung trái cây và vitamin, thỉnh thoảng cho con chọn thực đơn mà nó yêu thích. Sau những buổi vắt óc căng não thì không gì bằng những bữa ăn hấp dẫn. Ăn là một cách để mát-xa não, ăn ngon là cách giảm stress tuyệt vời.
Bốn là, chia nhỏ áp lực. Hãy chủ động tạo các cơ hội nghỉ ngơi cho con để chúng “sạc pin” lại sau từng chặng ôn luyện. “Cả gia đình chúng ta chiều nay cùng nhau đi bơi nhé!” hay cứ cuối tuần ba mẹ con dắt díu nhau đi ăn tối vui vẻ bên ngoài. Vào thời điểm thích hợp, thỉnh thoảng cho trẻ đi một tour du lịch ngắn hạn để “xả hơi”. Hơn nữa sự vận động thay vì “dán chặt” liên tục trên ghế sẽ giúp cơ thể được “bôi trơn” và tinh thần tỉnh táo sảng khoái. Đừng để trạng thái học hành căng thẳng kéo dài bất tận như một sợi dây dừng sắp đứt mà hãy chia nhỏ nó ra vừa phải.
Một chuyến du lịch ngắn hạn cũng giúp trẻ giảm stress. |
Năm là, cha mẹ hãy làm “thiên thần hộ mệnh từ xa”, tức là giám sát từ xa để phát hiện kịp thời những biểu hiện tâm lý bất thường. Nếu con bạn có một hoặc nhiều dấu hiệu dưới đây, các em có thể đang cảm thấy quá tải và cần được hỗ trợ nhiều hơn như: Tự nhốt mình quá lâu; Khóc bứt rứt một mình; Trằn trọc khó ngủ; Tính tình trở nên cáu kỉnh khác lạ hay ủ rũ bất thường.
Gặp những trường hợp như vậy, nên hỏi han để con có thể tâm sự những bức bối trong lòng, nếu nặng có thể cho con đi kiểm tra tại bác sĩ tâm thần, đề phòng trường hợp các em bị những sang chấn tâm lý.
Ngoài ra, cha mẹ còn nên để ý nhằm tránh việc con bị phá vỡ cân bằng sinh học. Sử dụng trí não quá sức và thời tiết nắng nóng có thể làm suy kiệt thể chất, đặc biệt khi trẻ phá vỡ lối sống sinh hoạt thường ngày như không ngủ đủ hoặc thức quá khuya dậy quá trễ, ăn uống thất thường không theo giờ giấc, học đến mức mặt mày tái xanh tái xám… vốn hay xảy ra những ngày gần đến kì thi. Tuyệt đối đừng để con có tư tưởng “Hy sinh tất cả cho ngày thi!”. Tự diệt sức khỏe cũng có nghĩa là “tự nguyện rớt”
Làm gì khi con bị stress?
"Thiên tài cũng phải nghĩ ngơi". Hãy khuyên con ngủ nghỉ để tạm dứt bỏ những lo âu cho đầu óc được thư giãn, có thể kết hợp mở loại nhạc con yêu thích.
Song song đó, cha mẹ nên "tạo sự thoải mái cho con trẻ". Đừng tạo những áp lực vô hình cho con do đặt kỳ vọng quá cao. “Cha mẹ yêu con chứ không phải yêu điểm, vì vậy điều quan trọng nhất không phải là 10 điểm mà quan trọng là con đã cố gắng hết mình”.
Nếu con không đạt nguyện vọng 1, con còn nguyện vọng 2, rớt nguyện vọng 2 còn nguyện vọng 3, điểm quá thấp không đạt cả ba nguyện vọng nghĩa là con đường này không phù hợp với mình và mình nên đi con đường khác. Để đến thành công, có nhiều con đường để đi, đại học – cao đẳng cũng chỉ là một trong rất nhiều con đường, rất nhiều những vĩ nhân của thế giới họ chưa từng đi học đại học mà họ học từ thực tế hoặc tự tạo ra nghề nghiệp cho mình.
Thầy giáo Khắc Hiếu với những lời khuyên bổ ích. |
Ngoài ra, cha mẹ hãy giúp con "thay món cho não". Thay vì để con chỉ học và học, thỉnh thoảng nên xen kẽ một số hoạt động khác như cho con xem phim giải trí, vào bếp nấu ăn hay ra ngoài chơi.
Bạn có thể thưởng cho con vài phần thưởng “bự bự” để khuyến khích tinh thần con cái. Nhưng phần thưởng lớn nhất dành cho chúng trong giai đoạn cam go này là việc nhận ra rằng cha mẹ rất yêu thương mình và luôn bên cạnh những khi mình cần nhất. Hãy biến mùa thi thành một mùa cơ hội cho sự quan tâm để đốt lên ngọn lửa gia đình.
Cha mẹ có thể thưởng cho con vài phần thưởng “bự bự” để khuyến khích tinh thần con cái. Nhưng phần thưởng lớn nhất dành cho chúng trong giai đoạn cam go này là việc nhận ra rằng cha mẹ rất yêu thương mình và luôn bên cạnh những khi mình cần nhất.
Vũ Minh