2,1 triệu phụ nữ và 700.000 nghìn đàn ông Việt Nam bị gãy lún đốt sống, gãy xương vùng hông, xương cổ tay và cổ xương đùi, vì bệnh loãng xương, theo thống kê mới nhất vừa được Hội Loãng xương TP HCM công bố.
>> Tăng khả năng làm bố nhờ ăn chuối
>> Sàng lọc sớm một số loại ung thư
2,8 triệu người Việt Nam bị loãng xương |
Phó giáo sư, Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Anh Thư, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Chủ tịch Hội loãng xương cho biết, điều đáng quan ngại là số ca mắc bệnh loãng xương đang tăng, trong khi người bệnh vẫn ít quan tâm đến việc tầm soát hoặc sau khi chẩn đoán được bệnh lại bỏ điều trị.
Theo bà Thư, các yếu tố nguy cơ dẫn đến khả năng gãy xương của người bị bệnh thường do tuổi tác, giới tính. Riêng nguyên nhân dẫn đến loãng xương, ngoài tuổi tác thì chủ yếu là do thiếu canxi, vitamin D hoặc sử dụng quá nhiều các loại thuốc có chứa Corticosteroid.
"Bệnh nhân thường chủ quan với loãng xương là do bệnh diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng. Rất nhiều người khi bị gãy xương mới biết mình bị loãng xương. Trong khi đó, phòng ngừa lại không khó", Tiến sĩ Thư nói.
Phần lớn bệnh nhân bị loãng xương thường có nguy cơ lún gãy đốt sống, kế đến là gãy xương vùng hông. Nhiều bệnh nhân phải nằm liệt suốt đời vì tuổi đã cao khiến xương gãy khó hồi phục.
Khẳng định canxi có ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh loãng xương, Phó giáo sư - Tiến sĩ - Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y dược TP HCM) cho biết, trong cơ thể, canxi là chất khoáng chiếm lượng lớn hơn tất cả khoáng chất khác. Tuy nhiên mỗi ngày cơ thể đều diễn ra cơ chế tạo xương và hủy xương. Ước tính có khoảng một gam canxi sẽ bị đào thải mỗi ngày. Riêng phụ nữ mang thai, cho con bú, lượng canxi bị tiêu hao lên đến 1.500 mg một ngày.
"Việc bài tiết canxi mỗi ngày là không đổi, vì thế nếu không bù canxi thì cơ thể luôn được đặt trong tình trạng thiếu canxi, mất xương. Ở trẻ, hụt canxi dẫn đến còi xương, còn ở người lớn thì loãng xương", ông Đức nói.
Các loại thức ăn có thể bù canxi, theo các chuyên gia xương khớp, gồm: sữa, lòng đỏ trứng, các loại đậu, vỏ tôm cua, rau quả. Ngoài ra, việc bổ sung canxi theo dạng thuốc cũng hoàn toàn có lợi cho cả người lớn lẫn trẻ em.
Nhu cầu canxi mỗi ngày của trẻ dưới một tuổi là 200-300 mg; 3 tuổi cần 500 mg; từ 4 đến 8 tuổi: 800 mg; 9-18 tuổi là 1.300 mg. Phụ nữ có thai cần bổ sung 1.200-1.500 mg. Cũng theo Tiến sĩ Đức, lượng canxi bổ sung không được quá 2.500 mg một ngày vì dễ dẫn đến hiện tượng cơ thể giảm hấp thu các khoáng chất khác, tổn hại thận, tăng canxi máu hoặc đóng vôi các mô.
Bà Lê Anh Thư thì cho rằng, ngoài việc bù canxi mỗi ngày, mỗi người chỉ cần bổ sung dinh dưỡng, luyện tập thể dục, để tăng khối lượng xương đỉnh lên 10% (ở tuổi 35) thì sẽ giảm 50% khả năng bị gãy xương đến suốt đời.
Với bệnh loãng xương, bà Thư cho rằng nếu phát hiện sớm và kịp điều trị thì nguy cơ gãy xương sẽ giảm hẳn. "Việc chẩn đoán loãng xương rất đơn giản bằng cách đo mật độ xương, mỗi lần đo mất khoảng 300.000 đồng. Trong khi đó, nếu bị loãng xương, mỗi tháng người bệnh phải mất hơn 500.000 đồng tiền thuốc và phải điều trị lâu dài. Đó là chưa tính đến việc gãy xương rất khó lành đối với người có tuổi", bà Thư nói.
Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống loãng xương 20/10, tại Cung Văn hóa thể thao thanh niên (số 1, Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sáng 16/10 và tại Nhà hát Hòa Bình (TP HCM), các bác sĩ chuyên gia xương khớp sẽ đo độ xương miễn phí và tư vấn điều trị cho 1.500 phụ nữ có độ tuổi từ 40 đến 60. Đăng ký qua số điện thoại: 08.2214.3086 |
Theo VnExpress