Việt Nam vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hằng năm của cả hộ gia đình.
70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
Theo các báo cáo, hằng năm cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức cao, trên 90% với bệnh nhân lao mới, 75% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Những người tử vong do lao chủ yếu là chưa được phát hiện và điều trị kịp thời.
Để mọi người bệnh có thể được phát hiện và điều trị kịp thời, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và đặc biệt là của phụ nữ và cả cộng đồng, không kỳ thị mặc cảm mà chủ động tham gia phát hiện bệnh khi có triệu chứng.
Do đó, Chương trình chống lao Quốc gia Việt Nam đặt ra mục tiêu có ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ chính gia đình họ không mắc bệnh lao. Hội Phổi Việt Nam vừa thành lập Chi hội Phụ nữ và đây sẽ là nòng cốt trong công tác tuyên truyền hướng dẫn phòng, chống lao đến từng hội viên, phụ nữ trong toàn quốc.
Được biết Chương trình Chống lao quốc gia ở Việt Nam hiện nay có mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc mà nòng cốt là Bệnh viện Phổi Trung ương, có Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB)… giúp Chương trình đạt mục tiêu đã đề ra là đến năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân và giảm số người chết do bệnh lao, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.