Một phụ nữ bị sát hại dã man tại chiếc lán của gia đình chị ở bản Nặm Pắt, xã Pha Mu, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Kiểm tra hiện trường, cơ quan điều tra phát hiện gia đình nạn nhân bị mất khoảng 20 con gà.
Các mũi điều tra nhanh chóng hướng đến nghi can là gã nghiện hay lảng vảng quanh vùng. Không lâu sau, nghi can này tự sát. Vụ án khép lại, tuy nhiên hậu quả của nó vẫn còn đè nặng lên gia đình nạn nhân.
Nhà nạn nhân ở bản Nặm Pắt mới. |
Án mạng thương tâm trên nương vắng
Để tìm vào nhà nạn nhân Giàng Thị Rùa (SN 1956), khách phải vượt qua gần chục cây số đường núi đá dốc gập ghềnh mới vào được đến bản Nặm Pắt mới, một bản tái định cư trên đỉnh Tà Mung. Con đường vào bản cũng đang được san ủi lại, những nóc nhà sàn mới được dựng lại thành khu theo quy hoạch. Người dân chuyển đến bản này mới được hai mùa rẫy.
Nhà ông Sùng A Hờ (SN 1959), chồng nạn nhân nằm ở dãy nhà đầu bản. Gương mặt của người đàn ông này vẫn còn nguyên nét buồn khổ sau khi vợ mất. Gia đình ông Hờ có bốn thế hệ sinh sống, gồm một mẹ già, hai vợ chồng ông, hai đứa con và ba đứa cháu. Bên bếp lửa không lúc nào nguội lạnh của gia đình người Mông, ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện buồn và hoàn cảnh khốn khó của cả nhà khi người vợ mất đi.
Trước đây gia đình ông Hờ sinh sống ở bản Nặm Pắt cũ, xã Pha Mu, huyện Than Uyên. Nhiều đời gia đình ông Hờ đã sinh sống ở đó, chăn con lợn, con gà, làm nương rẫy để sinh sống. Năm 2011, do hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn, đúng lúc xã có chủ trương lập các bản tái định cư nên gia đình ông đăng ký chuyển theo. Bản Nặm Pắt mới được thành lập ở xã Tà Mung cùng thuộc huyện Than Uyên nhưng cách xa nhau chừng 30km đường rừng núi.
Sau khi chuyển bản, vì kinh tế còn khó khăn, lại chưa có ruộng nương để sản xuất nên hai vợ chồng ông Hờ phải đi lại, thay nhau trông nom nhà cũ và làm nương để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống bên bản mới. Hai vợ chồng ông dự tính khoảng 3 năm sau, khi cuộc sống ổn định hơn thì mới chuyển hẳn về bản mới.
Vì đường xá hai bên xa xôi, đi xe máy cũng phải mất tầm 3 tiếng đồng hồ, còn đi bộ thì mất cả ngày trời nên cứ 1 tháng ông Hờ ông mới sang bản cũ trông nom nhà cũ thay cho vợ được một lần. Qua lại hai nơi thường xuyên nhất thì có cậu con út ông Hờ là cháu Sùng A Trừ (15 tuổi) đang học lớp 8 tại Trường THCS Tà Mung. Vì thế, khi bà Rùa bị sát hại, cậu bé Sùng A Trừ là người đầu tiên phát hiện sự việc.
Ông Mùa A Tủa, Trưởng Công an xã Tà Mung cho biết, khoảng 11h ngày 12/3, Công an xã nhận được tin từ gia đình báo lên. Theo lời khai của cháu Sùng A Trừ thì hôm trước cháu ở lán với mẹ nhưng đến tối thì điện thoại hết pin nên phải đi bộ cách lán 10 km để sạc điện thoại.
Sáng hôm sau, khi Trừ quay lại lán, thấy lán im lặng không có tiếng người. Trừ nhìn xuống nền nhà thì có vết máu tươi, vết máu dẫn đến một chiếc chăn úp ở góc nhà. Trừ lật chiếc khăn ra thì thấy bên trong, mẹ mình chết. Quá sợ hãi, cậu bé vừa khóc vừa chạy về bản Nặm Pắt cũ gọi điện sang nhà mới, sau đó gia đình đi báo công an.
“Khi nhận được thông tin, xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, tôi đã gọi điện cho Công an huyện Than Uyên và đề nghị gia đình nạn nhân dẫn đến hiện trường vụ án”, ông Tủa nói.
Tự tử để thoát tội
Cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi và thấy trên cơ thể nạn nhân có nhiều vết dao đâm chém. Nạn nhân bị hung thủ lôi vào góc nhà và phủ một tấm chăn lên để che giấu. Tại hiện trường là lán của nạn nhân còn phát hiện đồ đạc bị lục tung lên. Đáng chú ý là số tài sản bị mất được xác định là 20 con gà. Vì vụ án xảy ra ở nơi rất hoang vu nên không có ai làm nhân chứng, những manh mối hung thủ để lại cũng mơ hồ nên rất khó khăn cho công tác điều tra.
Một số người dân ở bản Nặm Pắt cũ cho hay, thời gian trước đó họ thường thấy một người đàn ông lạ mặt tuổi ngoài 30, với hành tung bí ẩn hay lang thang vào bản xin ăn nhờ cơm. Khi người lạ mặt này xuất hiện thì trong bản liên tục xảy ra các vụ trộm gà, trộm chó.
Có người ở trong bản đi làm nương qua lán của bà Rùa, đôi lần họ thấy đối tượng này vào nhà bà ăn cơm. Một số người dân ở dưới bản còn cho hay, thi thoảng họ lại thấy gã lân la hỏi họ rằng: “Không biết ông Hờ có trên lán không?”.
Ông Sùng A Hờ cũng cho hay, đúng là có một người đàn ông vào nhà xin ăn nhờ cơm, có lần hắn còn lấy trộm cả một chiếc chăn. Theo thông tin của ông Hờ, hắn nói hắn là Lò Văn Chạnh, quê ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.
Chạnh là một đối tượng nghiện ma túy, thường xuyên trộm cắp vặt để có tiền thỏa mãn cơn thèm thuốc. Sau khi xảy ra vụ án bà Giàng Thị Rùa bị chết trong lán, người ta không thấy mặt hắn đâu.
Trước khi biết rõ chân tướng hung thủ, có một điều lạ khiến nhiều người bàn tán về vụ án của bà Rùa là tại sao sau khi giết người, hung thủ chỉ lấy cắp 20 con gà, trong khi đó đàn lợn gần chục con trị giá hơn nhiều thì vẫn còn nguyên?. Họ đồn đoán về khả năng hung thủ có một mình, lại bị nghiện nên sức yếu, không mang vác được đồ nặng, vì thế mà sau khi giết người xong, hắn lục lọi đồ đạc trong nhà nhưng không kiếm được gì. Sau khi quan sát, hắn thấy đàn gà là dễ “xử lý” nhất nên đem đi.
Nghi can lúc này đã lộ diện, các mũi điều tra nhanh chóng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để truy bắt hắn. Ông Mùa A Tủa, Trưởng Công an xã Tà Mung cho biết, trước sự điều tra gắt gao của Công an tỉnh, Lò Văn Chạnh vô cùng sợ hãi. Biết không thể trốn thoát, trong lúc nghĩ quẩn gã đã tự vẫn để thoát tội. Vụ án được Công an tỉnh Lai Châu khép lại sau đó.
Nỗi ám ảnh còn lại
Người dân ở cả hai bản Nặm Pắt cũ và mới đều lấy làm hoang mang khi sự vụ án của bà Rùa xảy ra. Ở bản mới thì các gia đình gần nhau nên thường xuyên sang động viên, hỏi thăm gia đình ông Hờ. Còn ở bản cũ thì người ta lấy câu chuyện của gia đình ông mà cảnh giác hơn với tội phạm. Sau khi bà Rùa qua đời, người dân trong bản Nặm Pắt cũ để ý những người lạ đến địa bàn kỹ hơn, không ai còn dám ở một mình trông lán.
Về gia đình ông Sùng A Hờ, điều kiện kinh tế vốn đã khó khăn nên sau đám ma của bà Rùa, gia đình ông lại gánh thêm khoản nợ tiền ma chay. Ông Hờ cho biết, mặc dù đã được giúp đỡ mua ruộng ở bản mới để làm ăn, tuy nhiên gia đình ông vẫn phải cử người qua lán cũ. Mỗi lần qua đó lại tốn người hơn trước vì ông không dám để con cái qua một mình, phải đi ít nhất là hai người.
Ông Hờ kể xong câu chuyện mà đôi mắt lại buồn rười rượi. Ông thở dài thườn thượt cầm que củi khời khời vào bếp lửa đang cháy mon men. Người mẹ già đang ngồi trên giường gần đó bế đứa chắt vài tháng tuổi. Mấy đứa con ông thì có đứa đi làm nương, đứa đi học, đứa ở nhà trông con. Ngôi nhà tuy mới nhưng chẳng có đồ đạc gì quý giá.
Câu chuyện lắng xuống một lúc, khách mới lên tiếng nhờ ông Mùa A Tủa, Trưởng Công an xã gửi lời động viên đến gia đình. Chẳng biết đến lúc nào niềm vui mới trở lại trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông bất hạnh ấy...
Phạm Văn - Trần Tư