Cay cú vì bị bỏ rơi, gã bạn trai đã trả cho một cậu bé 1,75 USD để cậu hắt cả ca axit vào mặt Erica Vanessa, thay đổi toàn bộ cuộc đời của cô gái trẻ người Colombia.
Một nạn nhân bị tạt axit tại Colombia. Ảnh: Washington Post |
Mỗi khi nhìn vào gương, trong đầu Consuelo Cordoba lại ùa về thời khắc hãi hùng khi gã bạn trai đổ cả một ca axit, xóa đi toàn bộ khuôn mặt và để lại những vết thương khủng khiếp trên người cô. Thứ hóa chất kinh khủng đó đã đốt cháy một bên tai, tan chảy một bên mắt, ăn toàn bộ phần dưới khuôn mặt và phá hủy hàm răng của Cordoba.
Cô gái trẻ hiện luôn phải dùng một chiếc mặt nạ dính chặt vào da, thở qua một chiếc ống được gắn vào mũi, giống như “một con quái vật” theo như mô tả của chính Cordoba. “Tôi luôn ngủ một giấc mà sẽ không bao giờ tỉnh lại. Sự thực là cuộc sống quá khắc nghiệt và tôi thì lại rất đơn độc” – Cordoba nói.
Là một phương thức vừa rẻ tiền vừa nhanh chóng để phá hủy cuộc đời của một phụ nữ, các cuộc tấn công bằng axit trong những năm gần đây xảy ra khá thường xuyên tại các nước như Ấn Độ, Afghanistan và Bangladesh.
Các cuộc tấn công kinh hoàng dạng này hiếm khi xảy ra tại các nước phương Tây nhưng tại đất nước vốn nổi tiếng về ma túy con số ghi nhận ngày càng tăng các vụ tạt axit tại Colombia đã khiến các công tố viên, các quan chức y tế phải lên tiếng báo động và những người phụ nữ thì luôn nơm nớp lo sợ.
Trong khi một phụ nữ tại Ấn Độ có thể bị tấn công vì của hồi môn hay một phụ nữ Pakistan bị trừng phạt vì không đeo mạng che mặt khi ra đường thì một người phụ nữ tại Colombia lại có thể trở thành nạn nhân của một vụ tạt axit chỉ vì sự độc lập của cô hay thậm chí vì một người đàn ông mà cô không hề quen biết. Đó là điều đã xảy ra với Maria Cuervo hồi năm 2004.
Cô gái trẻ khi đang đi bộ trên đường bỗng thấy một người lạ mặt hét lên rằng “đây là để cô khi nghĩ rằng mình xinh đẹp nữa”. Chưa kịp định thần, Cuervo đã lĩnh trọn một ca axit, phá hủy những bộ phận trên khuôn mặt của cô gái yêu kiều. Đối với một xã hội tôn sùng vẻ đẹp của người phụ nữ như ở Colombia thì cú sốc này càng trở nên khủng khiếp hơn.
Theo thống kê của nhà chức trách, những gã đàn ông ghen tuông – có thể là bạn trai hay chồng của nạn nhân thường là thủ phạm đứng sau các vụ tấn công bằng axit. “Hắn thường xuyên đánh đập tôi vì ghen tuông, vì vậy tôi đã chấm dứt mối quan hệ với hắn” - Erica Vanessa Vargas – một người phụ nữ có giọng nói nhỏ nhẹ kể về ngày kinh hoàng đã xảy ra 4 năm trước đây.
“Khi đó hắn đã nói rằng nếu em không phải là của tôi thì sẽ không ai có được em” – Vargas nói thêm. Bạn trai cũ của cô ngay sau đó đã trả cho một cậu bé 1,75 USD để tạt axit vào người bạn gái đã gắn bó suốt bao lâu, thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cô gái trẻ. “Tôi đã phải nghỉ học, tôi không thể làm việc và không thể tự nuôi sống bản thân” – Vargas nói và chỉ vào những vết thương lộ rõ trên cổ và cằm.
Chờ đợi sự đổi thay nhờ luật pháp
Nghị sỹ Olga Rubio – một người vận động vì các nạn nhân tạt axit - cho hay, từ đầu năm đến nay đã xảy ra khoảng 100 vụ tấn công trên khắp Colombia, dấu hiệu cho thấy các vụ tấn công sẽ vượt xa con số 150 vụ của năm 2010. Viện khoa học pháp y Colombia thì ghi nhận 8 trường hợp bị tạt axit mỗi tháng trong khi văn phòng Tổng chưởng lý họ đang điều tra 56 vụ việc mà 36 vụ trong đó có liên quan đến phụ nữ.
Tuy nhiên, Tổng chưởng lý Eduardo Montealegre nói rằng ông nghĩ vẫn còn “một số lượng đáng kể các vụ phạm tội vẫn chưa được báo cáo” vì đôi khi thủ phạm lại là người thân của nạn nhân hoặc nạn nhân sợ bị trả thù khi đứng ra tố cáo.
Bên cạnh đó, thượng nghị sỹ Carlos Baena cho hay, thủ phạm gây ra những vụ tạt axit hiếm khi bị phạt tù vì các vụ tấn công này thường được xếp vào trường hợp hành hung ở mức độ nhẹ. “Hình phạt thường rất nhẹ vì thường không tính đến những nỗi đau khủng khiếp mà các nạn nhân phải trải qua” – ông Baena – người đang đề xuất một dự thảo áp dụng hình phạt thấp nhất là 20 năm tù đối với các thủ phạm tạt axit, nói. Baena cùng với một nữ nghị sỹ khác cũng đang đề xuất các quy định buộc người mua axit phải đăng ký mặt hàng độc hại này.
Ông Jaf Shah – giám đốc điều hành một quỹ ủng hộ các nạn nhân bị tạt axit có trụ sở tại London, Anh - cho hay, những giải pháp như vậy đã được chứng minh có thể đem lại kết quả khả quan. Số vụ tấn công ở Bangladesh đã giảm từ khoảng 500 vụ mỗi năm ở một thập kỷ trước xuống còn khoảng 100 vụ mỗi năm sau khi nước này áp dụng hình phạt nặng và bắt buộc người dân đăng ký khi mua axit.
Tổng chưởng lý Montealegre cũng cho biết ông đang xây dựng một đội ngũ công tố viên và các chuyên gia tội phạm mới để điều tra về các vụ tấn công bằng axit. Đội ngũ này sẽ xác định liệu nhà chức trách có vô tình hạ cấp độ nghiêm trọng của các vụ tấn công axit đã được báo cáo thay vì liệt vào các vụ cố ý giết người.
Thanh Tâm (theo Washington Post)