Cô bạn trẻ Nguyễn Anh Thơ đã trở thành đại biểu nhỏ tuổi nhất trong hội nghị Asian Youth Climate Workshop chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nguyễn Anh Thơ tại hội nghị Asian Youth Climate Workshop |
Dưới đây là những chia sẻ đặc biệt của Anh Thơ về chuyến đi của mình.
Đến Bangkok
Tớ không sống ở thành phố, tiếng Anh không xuất sắc nên cũng khá thụ động với các hoạt động xã hội, không đi nhiều và cũng không tìm hiểu gì sâu. Nhưng qua báo chí, Internet, tớ thấy rất nhiều bạn 9X như mình, thậm chí ít tuổi hơn được đại diện cho Việt Nam tham gia các hội thảo, trại hè... quốc tế. Đến hè năm lớp 11, tớ mới bắt đầu chịu khó lên mạng mày mò thông tin.
Chuyến đi đến Bangkok hồi tháng 10/2009 tham dự Asian Youth Climate Workshop (AYCW) thực sự là bất ngờ lớn. Biết thông tin về hội thảo này qua email của một người bạn, tớ cứ phân vân không biết nên đăng ký hay không bởi đây là một hội thảo về biến đổi khí hậu - lĩnh vực tớ mới chỉ biết sơ sơ những kiến thức cơ bản. Đơn đăng ký khá “khoai” với 5 bài luận, chủ yếu hỏi về kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực môi trường của mình. Nghĩ mãi, cuối cùng tớ chặc lưỡi: “Không thử làm sao biết”!
Ba tuần sau, tớ nhận được email từ ban tổ chức AYWC. Nhìn dòng chữ “Congratulates” (chúc mừng) lấp lánh trước mặt mà tớ hô lên vì sung sướng. Không thể tin được, bởi nghĩ lại tớ thấy đơn đăng ký của mình rất ngô nghê, tớ quyết định kể thành thật rằng mình không có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về biến đổi khí hậu, và rất mong muốn có thể nhận được điều đó từ hội thảo này.
Vừa lên đường vừa vỡ lẽ…
Đây là lần đầu tiên tớ đi xa như thế, mà lại không có bố mẹ bên cạnh, con gái một thân một mình, nhỡ... Ôi, bố mẹ tớ đặt ra nhiều cái “nhỡ đâu...” lắm! Mẹ soạn sửa quần áo, đồ đạc; bố giúp tớ chuẩn bị giấy tờ thủ tục, còn tìm thêm cho tớ khá nhiều tài liệu mới về biến đổi khí hậu để “nhỡ đâu người ta hỏi còn biết đường mà nói”. Ngộ ra một chân lý không hề mới: bố mẹ luôn luôn là người lo lắng cho mình nhất.
Đây là lần đầu tiên tớ được ra nước ngoài nên cái gì cũng bỡ ngỡ. Đặt chân xuống sân bay Bangkok, làm xong hết thủ tục nhập cảnh, việc đầu tiên tớ nghĩ đến là phải đổi tiền. Tình huống dở khóc dở cười đầu tiên xảy ra khi tớ tung tăng đem tiền đến nơi đổi và nhận được cái lắc đầu của anh chị nhân viên: “Ở đây không đổi tiền Việt Nam em ạ”.
Cũng may, mẹ của một người bạn trên chuyến bay đã đổi giúp tớ 100 USD. Hú hồn, nếu không có bác ý tớ biết sống sao với không một đôla dính túi đây. Bài học đầu tiên: “Tìm hiểu thật kỹ thông tin, dù là nhỏ nhất”!
Bài học thứ hai của tớ: “Học cách đọc bản đồ”. Tớ đến sớm nên việc đi tham quan đành tự thân vận động. Xoay xở chật vật mãi tớ mới dò dẫm được bản đồ để đi bộ đến Cung điện Hoàng gia Thái. Tiếc là sau hơn 30 phút lòng vòng, lúc tớ đến đã quá 4g chiều, cung điện đóng cửa. Điều làm tớ ấn tượng nhất khi đi trên đường phố Bangkok là giao thông cực kỳ ổn định.
Thức ăn Thái đúng thực là ác mộng với tớ. Tớ chỉ đại vài món ăn cùng cơm, món nào cũng rất đẹp mắt nhưng cay xè. Thế là lại bánh mì sữa hoặc pizza ăn đỡ. Bố mẹ nhắn tin, gọi điện liên tục hỏi thăm tình hình. Ngộ ra chân lý thứ 2, vẫn vô cùng đơn giản: “Gia đình luôn là trên hết”.
Xắn tay vào cuộc chiến biến đổi khí hậu
Ngày đầu tiên tớ rất tự ti, đầu ù lên không kịp bắt nhịp với việc nghe và nói tiếng Anh nhiều và lâu như thế. Nhưng dần dần tớ nói nhiều hơn, không chuẩn thì nói lại, cảm giác tự ti gần như biến sạch.
Cuối cùng, ngày khai mạc hội thảo đã đến. Tớ làm quen với những người bạn đầu tiên. Bọn tớ được anh Jamie - trưởng ban tổ chức - dẫn đến trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Bangkok để tham gia nghe các cuộc họp trong khuôn khổ Bangkok Climate Talk 2009 của UN.
Hội thảo dài ba ngày nhưng lịch làm việc khá căng, từ 8g sáng đến tầm 18g chiều, có hôm là 19g tối. Tớ là người nhỏ nhất trong hội thảo, lại không có nhiều kiến thức hay hoạt động về môi trường, khả năng giao tiếp không bằng mọi người nên ban đầu cũng hơi khó bắt nhịp với chương trình, thực sự rất mệt. Đúng là tự hào thì ít mà lo thì nhiều hơn. Tớ chọn cách chủ yếu tập trung nghe và nắm bắt những thông tin cần thiết.
Đoàn Việt Nam có 10 người, ban đầu cũng không thân thiết lắm. Nhưng sau khi tất cả ngồi lại với nhau để cùng làm thuyết trình chung, giới thiệu về những hoạt động của Việt Nam chuẩn bị cho sự kiện 350, ai cũng hăng hái đóng góp ý kiến, nói chuyện với nhau nhiều hơn.
Hoạt động đáng nhớ nhất trong cả ba ngày hội thảo chính là cuộc diễu hành hơn 2.000 người “March for Climate Justice”. Thật sự rất hoành tráng, không chỉ có 350 mà còn rất nhiều tổ chức lớn nhỏ khác tham gia để kêu gọi các nhà lãnh đạo đi đến thỏa thuận có lợi nhất cho tình hình biến đổi khí hậu tại COP 15.
Cùng những bạn trẻ khác tại hội nghị Asian Youth Climate Workshop |
Chuyến đi đem lại cho tớ rất nhiều bài học mà phải trải nghiệm, va chạm mới có thể rút ra và hiểu được. Có thể với nhiều người, thành tích này chỉ là cỏn con, nhưng đối với tớ đó là một cơ hội không dễ gì có được. Đó là cơ hội để đi, để thấy thế giới xung quanh mình đang chuyển động không ngừng và mình cũng có thể góp sức để vòng xoay đó đi theo hướng tích cực hơn.
Họ và tên: Bùi Thái Anh Thơ Sinh ngày: 4/4/1993 Hiện Thơ là thành viên của lớp 12A1 Trường THPT Thái Hòa, thị xã Thái Hòa - Nghệ An. Một số hoạt động đã tham gia: VYF 2009 (Diễn đàn Tuổi trẻ Việt Nam 2009), Asian Youth Climate Workshop 2009 (Hội thảo thanh niên châu Á về biến đổi khí hậu)... |
Theo Tuổi Trẻ