Anh Phạm Văn Toàn ở TP. Hồ Chí Minh hỏi: Cháu tôi mới 16 tuổi nhưng không may cháu bị mắc bệnh hiểm nghèo. Trước khi ông nội cháu mất có di chúc cho riêng cháu một số tài sản khá lớn, nguyện vọng của cháu muốn lập di chúc để lại một phần tài sản của mình cho một bạn thân, nhà nghèo. Vậy cháu có quyền lập di chúc không ?
* Theo Điều 652 Bộ luật Dân sự quy định di chúc hợp pháp như sau: Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
- Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
- Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều này.
- Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì cháu anh được 16 tuổi có quyền lập di chúc đối với tài sản riêng của mình, nhưng phải được cha mẹ đồng ý.
* Chấm dứt làm con nuôi khi nào?
Anh Nguyễn Hoàng Quân ở quận Hoàng Mai, Hà Nội hỏi: Nếu chấm dứt việc nuôi con nuôi, thì quyền lợi về tài sản và các mối quan hệ khác của người cha mẹ nuôi và con nuôi được giải quyết như thế nào?
- Theo Điều 78 Luật Hôn nhân và Gia đình thì hậu quả pháp lý của việc chấm dứt nuôi con nuôi như sau:
Khi chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quyết định của Tòa án, các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi cũng chấm dứt; nếu con nuôi là người chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì Tòa án ra quyết định giao người đó cho cha mẹ đẻ hoặc cá nhân, tổ chức trông nom, nuôi dưỡng;
Trong trường hợp con nuôi có tài sản riêng thì được nhận lại tài sản đó; nếu con nuôi có công sức đóng góp vào khối tài sản chung của gia đình cha mẹ nuôi thì được trích một phần từ khối tài sản chung đó theo thỏa thuận giữa con nuôi và cha mẹ nuôi; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Khi việc nuôi con nuôi chấm dứt, theo yêu cầu của cha mẹ đẻ hoặc của người đã làm con nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc người đã làm con nuôi được lấy lại họ, tên cha mẹ đẻ đã đặt./.
PLVN