1.200 vụ tấn công tình dục đã bị giấu kín?

Cảnh sát bắt giữ nhiều người trong lễ kỷ niệm Weiberfastnacht ngày 4/2 tại Cologne, Đức. (Nguồn: Getty Images)
Cảnh sát bắt giữ nhiều người trong lễ kỷ niệm Weiberfastnacht ngày 4/2 tại Cologne, Đức. (Nguồn: Getty Images)
(PLO) -Một “số liệu chấn động” được tiết lộ mới đây đã khiến giới dư luận chĩa mũi dùi trở lại vào vụ việc từ đầu năm nay: “Sự kiện đêm Giao thừa”. 

Theo đó, con số khủng khiếp hơn 1.200 vụ tấn công tình dục thực hiện bởi 2.000 nghi phạm chỉ trong 1 đêm đã bị giấu giếm suốt hơn nửa năm qua.

Giấu kín

Hồi đầu năm, các nhóm thủ phạm đã đồng loạt tấn công phụ nữ ở Cologne, Hamburg và nhiều thành phố khác ở Đức.

Một tài liệu của cảnh sát bị rò rỉ mới được xuất bản gần đây bởi tờ báo Sueddeutsche Zeitung và các đài truyền hình NDR và WDR chỉ ra rằng, con số ước tính thời điểm đó của các nhà chức trách Đức về số lượng thủ phạm và nạn nhân là quá thấp so với thực tế.

Số liệu rò rỉ cho thấy, hơn 1.200 đã phụ nữ bị tấn công tình dục trên toàn nước Đức trong đêm giao thừa, bao gồm khoảng 400 vụ tại Hamburg và hơn 600 vụ ở Cologne, và được thực hiện bởi hơn 2.000 người.

Trong khi đó, con số được đưa ra sau vụ việc hồi đầu năm chỉ dao động vài chục chục cho cả nạn nhân và nghi phạm.

Khoảng một nửa trong số 120 nghi phạm được xác định danh tính đã đến Đức từ nước ngoài trong những năm qua. “Có một mối liên hệ giữa sự xuất hiện của hiện tượng này và dòng người di cư nhanh chóng trong năm 2015”, ông Holger Munch, Giám đốc Văn phòng Cảnh sát tội phạm liên bang Đức nói với Sueddeutsche Zeitung.

Phơi bày

Một ngày sau khi xảy ra các cuộc tấn công, tin đồn về vụ việc đã lan truyền trên các mạng xã hội. Thế nhưng phản ứng của các quan chức ngay lúc đầu là im lặng. Các phương tiện truyền thông, bao gồm cả các đài truyền hình quốc gia sau đó đã bị cáo buộc bắt tay với các quan chức vì đã không cung cấp thông tin đầy đủ.

Vài ngày sau, cảnh sát trưởng thành phố đã phải buộc phải từ chức trước những áp lực quá lớn. Những người chỉ trích cho rằng, lực lượng của ông đã không chỉ bất lực trước các vụ tấn công tình dục hàng loạt, mà còn không tiết lộ kịp thời những gì đã xảy ra.

Chỉ đến khi các quan chức bắt đầu thừa nhận quy mô của các cuộc tấn công trong một chương trình phát sóng đặc biệt, dư luận cả nước đã chịu một cú sốc lớn chưa từng có.

Phải mất nhiều thời gian hơn để có thông tin rõ ràng rằng, các cuộc tấn công hàng loạt không chỉ xảy ra tại Cologne, mà còn ở các thành phố khác của Đức như Hamburg và Duesseldorf.

Tuy nhiên các nhà chức trách nói rằng, các cuộc tấn công này đã không được tổ chức một cách có hệ thống mà xảy ra một cách tự phát.

Một bị cáo ngồi che mặt bên cạnh luật sư của mình tại tòa án quận ở Cologne, Đức, vào ngày 7/7 vừa qua (Nguồn: Marius Becker / EPA)
Một bị cáo ngồi che mặt bên cạnh luật sư của mình tại tòa án quận ở Cologne, Đức, vào ngày 7/7 vừa qua (Nguồn: Marius Becker / EPA)

Cố ý che giấu?

Các ý kiến chỉ trích đã cáo buộc lực lượng cảnh sát Cologne và các chính trị gia cố ý che giấu không công bố thông tin về các cuộc tấn công tình dục.

Ngay như thông tin cuối cùng được công bố, họ chỉ ra rằng, các quan chức cảnh sát cũng đã không công bố thông tin về quốc tịch của các nghi phạm.

Dường như các nhà chức trách không muốn mạo hiểm để công bố những thông tin này bởi nó có thể vô tình khuấy lên những căng thẳng vốn đang lan rộng trên toàn nước Đức. 

Liệu có bao nhiêu nghi phạm là người tị nạn, bao nhiêu là người nước ngoài đã tham gia vào các cuộc tấn công? Cho đến nay, các phương tiện truyền thông Đức cũng chưa hề đưa ra các thông tin về quốc tịch nghi phạm.

Tuy nhiên, việc cung cấp quốc tịch của các nghi phạm được biết cũng là một sự vi phạm luật báo chí của Đức. Đây là một tập hợp các quy tắc tự nguyện, trong đó xác định cách thức hoạt động của các phương tiện truyền thông tại nước này.

Sau vụ tấn công đêm giao thừa gây chấn động, lực lượng cảnh sát Đức tuyên bố sẽ thông tin nhanh chóng về các cuộc tấn công tương tự nếu nó xảy ra tương lai.

Tuy nhiên nhiều ý kiến khác lại cho rằng, đôi khi việc làm này lại dẫn đến thực tế là những người tị nạn vô tội sẽ bị cáo buộc những tội danh mà họ không thực hiện.

Nhìn lại vụ việc, sự chậm trễ trong việc công bố thông tin chi tiết và chính xác về các cuộc tấn công tình dục đêm giao thừa có thể nói là nhằm cân bằng giữa việc tránh gây tâm lý chống lại người nhập cư với sự kỳ vọng của người dân Đức vào sự minh bạch và nhanh chóng của lực lượng cảnh sát nước này.

Làm sao kết án nghi phạm ?

Một số phiên tòa hiện vẫn đang được tiến hành, thế nhưng chỉ có 120 nghi phạm trong số hơn 2.000 người đàn ông bị tình nghi, được cảnh sát xác định. Nhà chức trách khẳng định rằng, rất khó có được nhiều hơn con số này.

Một trong những vấn đề chính của các nhà điều tra Đức là vùng phủ sóng của hệ thống truyền tải video của quốc gia rất kém.

Hệ thống camera quan sát Đức đang rất hạn chế, một phần vì nước này đang bị nghi ngờ là có các hệ thống theo dõi và giám sát quá chặt chẽ so với hầu hết các nước châu Âu khác.

Có một lời giải thích lịch sử cho việc này, đó là Cơ quan tình báo của Đông Đức đã sử dụng một hệ thống kiểu như thế này để do thám hàng trăm nghìn người dân, khiến dư luận lo ngại điều này cũng xảy ra với các cơ quan công quyền.

Hơn nữa, thực tế là mức độ thông tin đầy đủ về các cuộc tấn công chỉ trở nên rõ ràng hơn sau tới nhiều tuần, đã làm cho các nhà điều tra khó đặt câu hỏi cho các nhân chứng và cả nạn nhân. Bởi khi ký ức về sự việc không còn rõ ràng thì khả năng ra phán quyết sẽ giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, chỉ có 4 nghi phạm cho đến nay bị kết án, nhưng 2 trong số đó tuần trước đã được tha bổng.

Phản ứng của Đức

Vụ tấn công tình dục đêm Giao thừa đã có tác động sâu sắc đến các cuộc thảo luận của giới chức Đức về vấn đề nhập cư và người tị nạn. Cho đến đầu năm 2016, hầu hết các chính trị gia Đức và các phương tiện truyền thông đã lập luận về những cái lợi của dòng người di cư liên tục thời gian qua.

Thế nhưng các cuộc tranh luận công khai của cộng đồng lại đưa ra rất nhiều lời chỉ trích. “Chúng ta không thể loại trừ việc những người di cư đang đến với đất nước của chúng ta cùng những quan điểm đã ăn sâu rằng: phụ nữ luôn luôn dễ bảo và phải phục tùng” - Alexander Hoffmann, một thành viên của Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo nói với tờ The Washington Post.

Các cuộc tấn công tình dục nghiêm trọng này đã khiến “văn hóa chào đón” của Đức gặp cú sốc lớn. Chính nét văn hóa này đã được hoan nghênh ở khắp Trung Đông trong năm 2015 vừa qua.

Sự việc cũng tăng áp lực lên Thủ tướng Đức Angela Merkel để ngăn chặn dòng người di cư đến nước này. Sau những lời mở cửa ban đầu, cuối cùng bà cũng phải giải quyết bằng một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó cũng đã giảm đáng kể lượng người tỵ nạn đến châu Âu trong năm nay. 

Thế nhưng có thể nói, việc Quốc hội Đức vừa qua đã thông qua luật tấn công tình dục nghiêm khắc hơn đã cho thấy, vụ tấn công đêm Giao thừa cuối cùng cũng đã có những tác động nhất định đối với xã hội Đức hiện nay.../.

Đọc thêm

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua
(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.