Lý do được đưa ra đơn giản là thiếu các chứng cứ. Elisabeth Massi Fritz - Luật sư hình sự nổi tiếng của Thụy Điển đã cáo buộc hệ thống tư pháp nước này đang “quá nâng niu” những kẻ hiếp dâm.
Làn sóng tấn công tình dục
Tháng 7 vừa qua, hơn 50 vụ tấn công tình dục đã được báo cáo tại hai lễ hội lớn của Thuỵ Điển. Tại lễ hội âm nhạc diễn ra ở thành phố Bravalla, 5 phụ nữ đã nói rằng họ đã bị cưỡng hiếp và 12 người khác cũng trình báo mình bị tấn công tình dục. Trong khi đó tại một lễ hội khác là Putte i Parken ở Karlstad, đã có 35 trường hợp báo cáo về các vụ tấn công tình dục, trong đó 1 cô gái trẻ nhất là 12 tuổi.
Chưa bao giờ, con số tấn công tình dục lại tăng vọt tại Thuỵ Điển như hiện nay. Trước đây vài năm, những con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Như hồi năm 2009, một phụ nữ đã bị hãm hiếp tại lễ hội “Reading”.
Năm 2010, một cậu bé 16 tuổi đã bị buộc tội tấn công một cô gái 12 tuổi tại bữa tiệc “Secret Garden”. Hai phụ nữ khác cũng đã bị hãm hiếp trong các sự kiện liên quan tại Latitude. Năm 2013, hai người phụ nữ đã bị hành hung tại lễ hội “Wilderness”.
Năm ngoái 2015, một người đàn ông đã bị bắt vì tình nghi cưỡng hiếp một phụ nữ tại “V festival”. Hồi tháng 1 đầu năm nay, cảnh sát Thụy Điển cũng đối mặt với cáo buộc đã giấu giếm, không thông báo cho công chúng về các cuộc tấn công tình dục đối với các cô gái trẻ tại các lễ hội trong năm 2014, 2015.
Không chỉ vậy, trong những năm gần đây, một số băng nhóm có hành vi quấy rối, tấn công tình dục hoạt động trên các chuyến phà tại khu vực biên giới giữa Phần Lan và Thụy Điển đã trở thành điểm nóng quốc tế nổi cộm.
Tuy nhiên, nhiều ví dụ thời gian qua lại cho thấy, các thủ phạm hiếp dâm hay tấn công tình dục dù bị cáo buộc nhưng vẫn không hề bị khép tội. Làn sóng các cuộc tấn công tình dục đã xảy ra cả trên phà, tại các lễ hội và trong cuộc sống hàng ngày, đang gây ra một cuộc tranh luận về vấn đề này trong dư luận Thụy Điển.
Luật quá lỗi thời?
Luật sư hình sự Elisabeth Massi Fritz, người đại diện cho con số không nhỏ những nạn nhân bị tấn công tình dục ở Thụy Điển trong tuyên bố mới đây khẳng định rằng, các trường hợp hiếp dâm trong đó các thái độ và tư tưởng cho phép đổ lỗi cho nạn nhân là không thể dung thứ.
“Nếu nó không phải là sự đồng thuận, thì nó chính là hiếp dâm. Đơn giản là như vậy”, Elisabeth Massi Fritz nói với báo Hufvudstadsbladet của Phần Lan mới đây.
Như hồi năm ngoái 2015, Thuỵ Điển đã dậy sóng với vụ việc chấn động khi một người phụ nữ bị ba người đàn ông hãm hiếp ngay trên con phà M/S Cinderella. Luật sư Massi Fritz khi đó cũng là đại diện cho các nạn nhân chỉ ra rằng, những vụ cưỡng hiếp trên phà đều là những vụ việc rất khó và đặc biệt.
Bởi cảnh sát hiếm khi tìm được chứng cứ trên tàu, phà và thường thì các trường hợp luôn kết thúc với những báo cáo rất chậm trễ. Theo bà, đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự mất mát, thiếu hụt những bằng chứng quan trọng.
Theo luật sư Massi Fritz, các toà án ở Thụy Điển hiện nay đòi hỏi những tiêu chuẩn, cấp độ bằng chứng cho các vụ hiếp dâm cao hơn nhiều so với các vi phạm khác.
Một cảnh sát có mặt tại lễ hội Bravalla ở Thuỵ Điển hồi tháng 7 vừa qua - nơi 5 phụ nữ đã được báo cáo bị cưỡng hiếp (Nguồn: Reurter) |
Ngoài ra, tòa án còn có xu hướng đưa ra các kết luận rất mâu thuẫn, bởi hiện nay đang tồn tại những quan điểm nhầm lẫn giữa hiếp dâm và tấn công tình dục trong chính luật hình sự của Thụy Điển.
Bà Massi Fritz bày tỏ: “Nạn nhân thì luôn trong tình thế không được tin tưởng và còn bị đổ lỗi; trong khi thủ phạm thì lại được nâng niu và bào chữa”.
Ý tưởng cơ bản của đề xuất được hỗ trợ bởi các đảng đối lập đó là: giả định về khái niệm thế nào là một người không muốn có quan hệ tình dục. Theo luật sư Massi Fritz, pháp luật hiện hành là không đủ hiệu quả. Bởi nó đòi hỏi phải xuất hiện các hành vi đánh đập, bạo lực, đe dọa hay một tình huống đặc biệt dễ bị tổn thương đối với một hành vi phạm tội tình dục, mới được liệt vào loại tội phạm hiếp dâm.
Bà lập luận rằng, đây là những tiêu chí đã quá lỗi thời và dựa trên quan điểm của những thế hệ phụ nữ trong quá khứ. “Bất cứ tình huống nào chưa hẳn là “đồng ý” thì nó phải là “không đồng ý”. Có nghĩa là quan hệ tình dục phải được dựa trên sự tự nguyện, có đi có lại và không bị tác động bởi bất kỳ điều gì khác nữa”, luật sư Massi Fritz nói.
Người nhập cư có phải nguyên nhân?
Alexandra Larsson, một thiếu nữ 17 tuổi kể rằng, cô đã bị quấy rối tình dục khi tham dự lễ hội Putte i Parken ở Karlstad hồi tháng 7. Xung quanh chỗ cô đứng lúc đó là những thanh niên 17-18 tuổi và không phải người Thụy Điển.
Theo Alexandra, đây có thể là những người nhập cư. Còn trong tuyên bố trên website của cảnh sát vùng Varmland sau đó, thông tin cũng cho biết, các vụ tấn công tại lễ hội Putte i Parken là do “những thanh niên nước ngoài”. Tuy nhiên sau đó chỉ vài giờ, thông báo này đã bị dỡ xuống.
Mặc dù đa phần dư luận và truyền thông cho rằng, người nhập cư là một phần nguyên nhân gây ra con số vụ hiếp dâm tăng vọt tại Thuỵ Điển thời gian qua, thế nhưng vẫn có những tiếng nói phản đối. Patricia Lorenzoni - một nhà nghiên cứu và giảng viên tại Đại học Linköping, cũng là một trong số ít những tiếng nói phản đối cho rằng, đây là sự bất công.
Bà chia sẻ, người di cư không đáng bị quy chụp và đổ lỗi cho những tội ác như vậy và rằng, thời gian qua, những nhóm dân túy cánh hữu phân biệt chủng tộc đang cố gắng để tạo ra một bầu không khí sợ hãi xung quanh hình ảnh của “người nhập cư hiếp dâm”.
Bà Patricia Lorenzoni cho rằng, “nếu chúng ta (Thụy Điển) để cho xu hướng này tiếp tục, thì chúng ta sẽ không thể kiểm điểm chính xác những lỗi lầm cho đến khi nó đã trở thành một thói văn hóa hiếp dâm”.
Bạo lực tình dục đối với phụ nữ hiện đang là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm ở Thụy Điển, nơi mà hiếp dâm đang như một dịch bệnh đang lây lan và hoành hành.
Theo một báo cáo mới đây của hai tác giả Lars Hedegaard và Ingrid Carlqvist của Viện Gatestone, tội phạm bạo lực đã tăng 300%, còn hiếp dâm là con số kinh ngạc 1.472%, kể từ những năm 1970. Theo số liệu này, Thụy Điển là chỉ kém Nam Phi và Lesotho về con số những vụ hiếp dâm.
Trước thực tế này, cảnh sát Thụy Điển vừa qua đã thực hiện chiến dịch phát dây đeo cổ tay chống tấn công tình dục nơi đông người. Với dây đeo in dòng chữ: “Cảnh sát đang theo dõi, đừng mò mẫm”, mục tiêu của chiến dịch là tăng ý thức tự đề phòng và dũng cảm tố cáo tội phạm của các nạn nhân, đồng thời cảnh báo những nam thanh niên nhận ra rằng, đây là một tội ác.
Tuy nhiên, nhật báo Dagens Nyheter lại cho rằng, cảnh sát Thuỵ Điển vẫn đang có xu hướng không công bố các vụ việc tấn công tình dục do người nhập cư thực hiện, mục đích là nhằm tránh phản ứng dữ dội đối với người nhập cư. Các nhà xã hội cho rằng, chính điều này lại đang gây ra tranh cãi và thậm chí còn khiến tình hình tại Thuỵ Điển tồi tệ hơn…