Cụ thể, Điều 7 Dự thảo Thông tư, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ, quyền hạn trong các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, người có chức vụ, quyền hạn trong quân đội không được thành lập, giữ chức vụ, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý.
Tại Điều 6 Dự thảo Thông tư nêu rõ các lĩnh vực mà người có chức vụ, quyền hạn trong quân đội sẽ phải áp dụng quy định trên bao gồm:
Thứ nhất, người quản lý công tác kế hoạch và đầu tư, tài chính, kinh tế, hậu cần, kỹ thuật của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; thứ hai, người quản lý ngân hàng trong Quân đội; thứ ba, người quản lý công tác thanh tra quốc phòng của cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và tương đương trở lên; thứ tư, cán bộ là người quản lý doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý; người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng cử làm đại diện; thứ năm, người quản lý nghiên cứu đề tài khoa học của các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Trong đó, người thôi giữ chức vụ được Bộ Quốc phòng định nghĩa là người có chức vụ, quyền hạn về một trong các lĩnh vực quy định được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết chế độ thôi việc, kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, nghỉ hưu hoặc chuyển ra khỏi cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng quy định về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Theo đó, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là 5 năm (đủ 60 tháng) liên tục đối với cán bộ, nhân viên đơn vị quân đội thuộc danh mục các nhóm ngành sau đây:
Danh mục phải chuyển đổi gồm cán bộ chỉ huy tham mưu gồm các ngành: Quân lực (quân số, chính sách, trang bị, tuyển sinh quân sự) từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên; quân huấn - nhà trường (cấp phát các loại văn bằng, chứng chỉ; tuyển sinh, khảo thí, quản lý vật chất) đối với các nhà trường trong quân đội; hoạt động đối ngoại; phân bổ chỉ tiêu ngân sách các ngành chỉ huy tham mưu.
Cán bộ chính trị gồm các ngành: Cán bộ (nhân sự, đào tạo, tuyển dụng), tuyên huấn (quản lý vật tư công tác đảng, công tác chính trị, thi đua - khen thưởng), chính sách, bảo hiểm từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên; phân bổ chỉ tiêu ngân sách các ngành công tác đảng, công tác chính trị.
Cán bộ hậu cần, tài chính gồm các ngành: Hậu cần từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên; cấp giấy chứng nhận hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; giám sát cung ứng các loại thuốc, dược liệu; phân bổ chỉ tiêu ngân sách ngành hậu cần; tài chính từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên...
Cán bộ kỹ thuật gồm các ngành: Quản lý, đăng kiểm các loại phương tiện; đăng ký phương tiện; cấp phát, đăng ký, bằng lái; phân bố chỉ tiêu ngân sách các ngành kỹ thuật. Cán bộ khối thanh tra, điều tra, thi hành án, cửa khẩu thuộc các nhóm ngành, ngành: Thanh tra viên; điều tra viên; trinh sát viên; cảnh sát viên; thẩm tra viên thi hành án dân sự thuộc cơ quan quản lý thi hành án; phân bổ chỉ tiêu ngân sách các ngành thanh tra, điều tra, thi hành án; cán bộ cửa khẩu.
Văn bản này đang được Bộ Quốc phòng đem ra lấy ý kiến nhằm triển khai Nghị định 59 năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
Theo Bộ Quốc phòng, việc quy định chi tiết nội dung này sẽ là căn cứ để yêu cầu các cán bộ quản lý các lĩnh vực của Bộ Quốc phòng không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi giữ chức vụ, nghỉ chờ hưu, nhằm ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng.