Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch, bên cạnh hàng triệu lượt người về Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) dâng nén hương thơm lên tổ tiên, tưởng nhớ các Vua Hùng, thì còn có rất nhiều gia đình tưởng nhớ các Vua Hùng với cách riêng của mình với một lòng tôn kính.
Thắp nén tâm hương
Cũng như Khu di tích lịch sử Đền Hùng (ở Phú Thọ), Đền thờ các vua Hùng (ở Thảo Cầm Viên, T.P Hồ Chí Minh) những ngày đầu tháng 3 âm lịch này đón rất nhiều người con đất Việt. Bà Nguyễn Thị Tính 75 tuổi (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) tâm sự: “Vì tuổi cao sức yếu nên tôi không thể ra Bắc dâng hương ở Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ). Vậy nên, năm nào gia đình tôi cũng tới đây để tưởng nhớ các vua Hùng. Đền thờ các vua Hùng ngày càng to đẹp và hoành tráng hơn. Về dự lễ thế này tôi thấy vui lắm. Dâng lễ cho các Vua Hùng xong tôi thấy bồi hồi, xúc động khó tả”.
Dòng người hướng về đất Tổ |
Ông Xuân Thanh, Chủ nhiệm đền thờ các vua Hùng tại Suối Tiên cho biết: “Sự chuẩn bị cho ngày Giỗ Tổ năm nào cũng được trang trí chu đáo đầy đủ mâm ngũ quả. Trên mỗi bàn thờ đều có bánh chưng và bánh dày. Đây cũng là dịp để người dân dâng hương các vua Hùng cầu mong đất nước thái bình, no ấm và hạnh phúc”.
Năm 2013, tỉnh Tiền Giang là tỉnh duy nhất của ĐBSCL cùng với 8 tỉnh, thành khác đại diện cả nước dâng hương và lễ vật lên các vị Vua Hùng tại Đền Hùng (Phú Thọ). Năm 2010, Kiên Giang là một trong 9 địa phương trong cả nước được phép tổ chức lễ hội Quốc giỗ Hùng Vương theo nghi thức cấp quốc gia. Lễ hội Đền Vua Hùng ở Tân Hiệp cũng được chọn là một trong những lễ hội tiêu biểu của tỉnh.
Ông Nguyễn Đình Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, đạo diễn chương trình lễ giỗ năm nay cho biết: “Lễ giỗ diễn ra trong 02 ngày 18 và 19/4 (nhằm mùng 9/3-10/3 âm lịch) với phần lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng theo nghi thức các năm trước; phần hội gồm các hoạt động: Hội chợ thương mại và triển lãm ảnh gắn với các thành tựu về ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp của tỉnh; thi gói và nấu bánh chưng, bánh tét; thi cờ tướng, biểu diễn thể dục dưỡng sinh; các trò chơi dân gian... Hàng năm, cứ vào tháng ba âm lịch, hàng ngàn người dân Kiên Giang và các tỉnh ĐBSCL lại tìm về Tân Hiệp, tìm về nơi thờ Quốc Tổ, dâng nén nhang bày tỏ lòng tri ân, tôn kính của người con đất Việt lên các vị Vua Hùng”
Giáo dục truyền thống
Bên cạnh các gia đình cất công đến tận đền Vua Hùng để dâng hương, thì một số gia đình vì điều kiện chưa thu xếp được lại chọn cách tưởng niệm tại gia. Họ làm mâm cơm với các món ăn cổ truyền dân tộc và đặc biệt còn gói bánh chưng, bánh dày để kính dâng lên các vua Hùng.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã thông qua Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị của "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ"- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành cùng chung tay góp sức nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị của "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương", nâng cấp, đổi mới công tác quản lý di sản ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Chương trình hành động gồm 9 nội dung mà Việt Nam cam kết thực hiện để bảo tồn phát huy giá trị "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" - di sản văn hóa của nhân loại. Trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, chủ thể văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy giá trị to lớn, độc đáo của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ. |
Gia đình ông Lại Thế Hùng ở ngõ Nhà Dầu, phố Khâm Thiên, Hà Nội những ngày này chộn rộn tìm đặt mua lá dong để gói bánh chưng, lá chuối để gói bánh giầy. Bởi theo ông Hùng thì đây là hai loại bánh mang hồn dân tộc. Gia đình quây quần vừa gói bánh vừa được bác Hùng kể về sự tích như muốn nhắc nhở con cháu về truyền thống của dân tộc.
Rủ nhau đến các nhà sách sưu tầm các truyện dân gian, truyền thuyết về thời các vua Hùng để đọc cho con là sự lựa chọn của một số gia đình trẻ ở Hà Nội. “Sự tích con Rồng cháu Tiên”, “Sự tích bánh chưng, bánh giầy”, “Thánh Gióng”, “Sơn Tinh, Thủy Tinh, truyền thuyết “Vua Hùng trồng kê ra lúa”, “Vua Hùng dạy dân cấy lúa”… được nhiều ông bố, bà mẹ để đầu giường hằng tối đọc cho con nghe.
Chị Nguyễn Thị Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Tôi luôn muốn các con tôi hiểu rõ về ý nghĩa truyện dân gian, truyền thuyết về thời các vua Hùng. Các truyện dân gian thời Hùng Vương luôn đề cao tinh thần nhân đạo và qua đó giúp con hiểu sâu sắc hơn lòng yêu ghét của nhân dân; tình yêu quê hương đất nước; yêu chính nghĩa, ghét phi nghĩa; yêu điều thiện, ghét điều ác… đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Đó là phẩm chất, là truyền thống cao đẹp của con người Việt Nam ta trải qua mấy nghìn năm lịch sử”.
Lại có gia đình nhớ tới các Vua Hùng bằng tìm mua đĩa hát Xoan để thưởng thức. Anh Cao Công Trí (Gia Lâm, Hà Nội) rất thích nghe hát Xoan. Bởi theo anh, hát Xoan rất có giá trị và đã tồn tại hơn 2.000 năm, là di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu, gắn với những giai thoại của thời đại Vua Hùng dựng nước.
Đối với anh Trí nghe hát Xoan cũng là sở thích và cũng là cách để anh tưởng nhớ đến thời đại các Vua Hùng. Những năm đầu mới lập gia đình, vợ anh không thích hát Xoan nhưng biết giá trị và ý nghĩa của truyền thống này, sở thích ấy đã lan sang cả gia đình.
… Vào những ngày này, mỗi người dân Việt đều cảm thấy rất tự hào về dòng giống con Lạc cháu Hồng của mình. Và, bằng nhiều cách tưởng niệm khác nhau, họ đã bày tỏ lòng thành kính của mình trước những công lao vĩ đại của các Vua Hùng. “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba” - câu ca dao ấy từ bao đời nay đã ăn sâu vào trong ký ức của mỗi con dân đất Việt, để cho tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống trong mỗi cá nhân, mỗi gia đình người Việt
Hữu Tước