Triển lãm thư pháp "Truyền kinh chính học" giới thiệu đến công chúng 100 tác phẩm thư pháp của các thư pháp gia trên cơ sở nội dung là các trước tác thơ, văn của danh nhân Chu Văn An và 17 vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Đây là các học quan đứng đầu Quốc Tử Giám và đều là các bậc sĩ phu tài cao, đức trọng, được triều đình lựa chọn từ hàng ngũ các bậc danh nho, đại thần uy tín.
Thơ, văn của họ thấm đẫm tình người, tình yêu quê hương, đất nước, là cơ sở để các tác giả phóng tác tác phẩm thư pháp trưng bày tại triển lãm.
Triển lãm thư pháp "Truyền kinh chính học" giới thiệu đến công chúng 100 tác phẩm thư pháp. |
Thư pháp là nghệ thuật của đường nét các loại hình văn tự. Với đặc trưng sử dụng mực nho, kết hợp các yếu tố kỹ thuật điều khiển ngọn bút lông, từng đường từng nét con chữ tung hoành biến hóa sinh động trên giấy tạo nên một chỉnh thể tác phẩm thư pháp hài hòa và mang những đặc điểm nghệ thuật rất riêng biệt.
Thư pháp Hán Nôm ở Việt Nam được đánh giá là một trong bộ môn nghệ thuật có bề dày lịch sử với chiều sâu nội hàm. Qua từng thời kỳ, hình thức thể hiện thư pháp được phân chia theo các thể chữ như Triện, Lệ, Chân, Hành, Thảo với những đặc trưng, tiêu chí thẩm mỹ rõ ràng.
Các tác phẩm cũng là sự gửi gắm, truyền tải nội hàm con chữ đến với khách tham quan. |
Theo Ban Tổ chức, "Truyền kinh chính học" với ý nghĩa truyền thụ kinh điển (truyền kinh), được hiểu rộng ra là truyền tri thức, sách vở đến với mọi người và làm chính đại sự học (chính học) được hiểu làm cho sự học trở nên ngay chính. Vì vậy, chủ đề vừa có tinh thần hoài cổ, vừa có ý nghĩa hiện đại. Mỗi một tác phẩm đều hàm chứa cá tính, phong cách, vận vị và tài hoa riêng của từng tác giả. Đồng thời, các tác phẩm cũng là sự gửi gắm, truyền tải nội hàm con chữ đến với khách tham quan.
Triển lãm thư pháp “Truyền kinh chính học” kéo dài đến ngày 23/1/2019 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. |
Ngoài các tác phẩm thư pháp, triển lãm còn giới thiệu tới công chúng tóm tắt thân thế, sự nghiệp của Tư nghiệp Chu Văn An và 17 vị đã từng đảm nhiệm chức Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Tham gia triển lãm lần này có nhiều nhà thư pháp hội tụ từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước, ở cả hai loại hình thư pháp Hán Nôm và thư pháp Quốc ngữ. Đặc biệt, tham gia triển lãm có cả tác phẩm của thư pháp gia người Pháp Gull Jean Sébestien, một người yêu nghệ thuật thư pháp Việt Nam.