Trong bối cảnh đó, nhiều quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm đang chồng chéo, mâu thuẫn và không rõ ràng. Một số văn bản mở rộng cửa cho các hoạt động gây nuôi thương mại và buôn bán các loài ĐVHD nguy cấp quý hiếm. Một số chính sách, văn bản pháp luật được triển khai mà không cân nhắc kỹ đến những hậu quả lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của đất nước do hoạt động gây nuôi thương mại và buôn bán các loài nguy cấp, quý, hiếm gây nên…
Chính vì lẽ đó, thời gian qua Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã tiến hành khảo sát 26 cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD lớn tại Việt Nam có quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, và Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp nhằm cung cấp thông tin hữu ích để các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định đúng đắn trong quá trình lập pháp, đảm bảo những văn bản pháp luật có liên quan không gây ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học.
Kết quả của đợt khảo sát này được công bố tại buổi họp báo “Gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD nguy cấp quý hiếm” được ENV tổ chức hôm qua - 27/7 cho thấy, 100% (26/26) cơ sở được khảo sát có dấu hiệu nhập lậu ĐVHD ở những mức độ khác nhau. 89% (17/19) số người được hỏi cho biết có bán giấy phép vận chuyển, trong đó một số chủ cơ sở còn đề nghị bán giấy phép vận chuyển cho cán bộ khảo sát. 91% (10/11) số người được hỏi cho biết họ có mua giấy phép vận chuyển từ các cơ sở khác hoặc trực tiếp từ cán bộ kiểm lâm. 100% (18/18) số người được hỏi cho biết họ có mua ĐVHD không có giấy phép vận chuyển. 100% (14/14) số người được hỏi cho biết họ có bán ĐVHD không kèm giấy phép vận chuyển…
Đặc biệt theo ENV sự cấu kết giữa các cán bộ kiểm lâm và chủ cơ sở gây nuôi là vấn đề nghiêm trọng trong hoạt động gây nuôi ĐVHD, ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực bảo vệ ĐVHD và kích thích nhập lậu ĐVHD tràn lan tại các cơ sở này. Hiện tượng cán bộ kiểm lâm nhận những khoản thu bất hợp pháp từ chủ các cơ sở gây nuôi được ghi nhận tại 9 tỉnh thành được khảo sát, trừ Quảng Trị. 76% (14/18) những người được phỏng vấn tại 10 tỉnh thành cho biết cán bộ kiểm lâm có nhận những khoản thu bất hợp pháp từ họ. Phần lớn những khoản thu bất hợp pháp xuất phát từ việc mua bán giấy phép vận chuyển 80% (4/5) số người được hỏi cho biết lực lượng kiểm lâm thường báo trước các đợt kiểm tra sắp tới…
Từ khảo sát này, thay mặt ENV, bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần nghiêm cấm hoạt động gây nuôi thương mại các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo pháp luật Việt Nam và các loài ĐVHD thuộc Phụ lục I của CITES. Đối với các cơ sở đã được cấp phép gây nuôi các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, thì cần có giải pháp để sớm chấm dứt triệt để hoạt động gây nuôi đối với các loài này tại các cơ sở….