Việc ký kết chương trình phối hợp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình từng bước củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, biển đảo; phát huy sức mạnh của toàn xã hội, để cải thiện mức hưởng thụ văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.
Đồng thời, phối hợp trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc khu vực biên giới, tăng cường vai trò của trưởng thôn bản, người uy tín trong bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa. Tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, đẩy mạnh phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; gắn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với việc phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đồng bào khu vực biên giới về chủ quyền, lãnh thổ, chính sách xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, cảnh giác trước âm mưu của kẻ thù. Theo chương trình ký kết, trong giai đoạn 2017 - 2022, hai bên sẽ triển khai một số nội dung trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị, trong giai đoạn tới, Bộ VHTTDL xác định phối hợp trên tất cả các lĩnh vực với Bộ Tư lệnh Biên phòng. Trong lĩnh vực văn hóa rất rộng cần tiếp tục phối hợp trên nhiều mặt như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số dưới nhiều hình thức phù hợp như tổ chức đội văn hóa văn nghệ tuyến biên giới, có thể trình diễn các điệu múa, trò chơi dân gian, lễ hội... Có sự vào cuộc của các đồng chí Bộ đội biên phòng thì chắc chắn sẽ phát huy được. Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng cho biết, đồng tình, nhất trí với nội dung hai bên cùng phối hợp trên toàn tuyến biên giới, biển đảo.
Thông qua việc thực hiện chương trình này, chúng ta chuyển tải những chính sách của Đảng và Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu só, cùng cố lòng tin của Đảng – Nhà nước tới người dân vùng sâu vùng xa. Bộ Tư lệnh Biên phòng sẵn sàng phối hợp để thực hiện hiệu quả hơn nữa chương trình này trong thời gian tới.
Trong giai đoạn 2013 - 2017, hai bên đã phối hợp triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên các tuyến biên giới, biển đảo. Trong đó có việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ hoạt động văn hóa ở cơ sở, đến nay, 44/44 Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, thành phố có chuyên mục “Vì chủ quyền, an ninh Biên giới” phát trên sóng Phát thanh – Truyền hình địa phương từ 1- 2 số/ tháng; có Đội Tuyên truyền văn hóa với gần 350 cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa.
Về cơ bản ở 433 đồn Biên phòng đều có Tổ Tuyên truyền văn hóa hoạt động kết hợp với công tác vận động quần chúng. 100% các đồn Biên phòng có các thiết chế văn hóa: Phòng Hồ Chí Minh, phòng đọc sách báo, ngăn sách, tủ sách pháp luật, ti vi, máy ảnh; các đồn Biên phòng và hầu hết các xã, bản lân cận đã được nghe chương trình phát thanh, xem truyền hình, một số Đồn đã được lắp đặt hệ thống tiếp sóng FM, trạm thu phát lại truyền hình, điện thoại, internet.
Các Đội Tuyên truyền văn hóa được đầu tư trang bị, phương tiện phục vụ biểu diễn như: Bộ âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, máy chiếu, máy phát điện… đảm bảo phục vụ đồng bào và cán bộ, chiến sĩ khu vực biên giới, biển, đảo. Trên toàn tuyến biên giới, bờ biển đã hình thành mạng lưới thư viện, tủ sách với trên 400 tủ sách đồn Biên phòng, hàng ngàn tủ sách, ngăn sách ở các trung tâm xã, bưu điện. Sách, báo ở các đơn vị Biên phòng sau khi được cán bộ, chiến sỹ nghiên cứu, học tập đã được chuyển xuống phòng đọc biên giới để phục vụ nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh ở địa bàn biên giới.