Điều đầu tiên cần khẳng định, cân tải trọng xe là việc nên làm, cần làm và Tổng cục Đường bộ Việt Nam – thay mặt Bộ Giao thông vận tải (GTVT) – làm “tổng chỉ huy” là hoàn toàn “chính danh tại vị”, đủ cơ sở pháp lý và thẩm quyền. Chở hàng quá tải đã thực sự trở thành vấn nạn trên mọi tuyến đường, từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên miền ngược và đã đến mức “hết chịu nổi”, không thể để kéo dài thêm nữa…
Hàng quá tải chứa ở đâu, ai quản?…
Theo quy định, khi phát hiện xe quá tải, buộc phải hạ tải, bỏ bớt phần hàng dôi dư xuống rồi mới được đưa xe ra đường chạy tiếp. Trên cả nước, việc này là điều bắt buộc, không thể làm khác nhưng chính Bộ GTVT chưa từng “có lời phán quyết” cách xử lý với số hàng bị bỏ bớt khỏi xe quá tải ra sao.
Cả 63/63 tỉnh, thành cả nước, việc tìm được chỗ đủ rộng thoáng để dừng xe, đặt trạm cân đã khó thì với một xe tải trọng 10 tấn, chở quá tải 20% cũng đã có tới hai tấn hàng bị gạt xuống đường. Không có bến bãi nào chứa số hàng ấy!
Cũng không có ai chịu trách nhiệm trông coi, kiểm đếm số hàng ấy, chỉ duy nhất có… lái xe chịu trận. Đó là chưa kể ngày qua ngày, số hàng bị hạ tải ngày càng tăng thì ai biết sẽ chứa vào đâu? Ai chịu bồi thường nếu hàng xuống cấp, hư hỏng?
Sau chuyện cân quá tải…
… Là chuyện “ra tay” đối phó với các trạm cân, một chuyện không lạ và đã được dự đoán trước. Điều đáng bàn là, trong số các giải pháp đưa ra cùng với quyết định tổ chức kiểm tra tải trọng, chưa hề nghe nói đến những “miếng võ” đối phó với kiểu… cho xe nằm lỳ chờ lực lượng kiểm tra rút quân.
Từ Bắc vào Nam, ai cũng dễ dàng nhìn thấy từng đoàn xe lặc lè hàng hóa nép bên đường, túm tụm trong một bãi trống nào đó chờ tín hiệu “báo an” gọi về. Trong khi đó, lực lượng kiểm tra tải trọng – gồm CSGT, Thanh tra giao thông, cán bộ kỹ thuật – không thể đủ người ứng trực 24/24h, chỉ cần rục rịch rời vị trí là các xe quá tải cũng nổ máy lên đường.
Xe từ Lạng Sơn về thì né núp, chờ trạm cân của Bắc Giang… nghỉ trưa; xe từ TP.HCM ra cũng thế, tắt máy nằm ven đường chờ trạm cân của Hà Tĩnh, Nghệ An… ngó lơ là vọt qua. Thậm chí, có địa phương cánh tài xế còn sẵn sàng…dồn xe tập thể, xe nọ thúc xe kia xếp hàng dài cả cây số chỉ để tạo… áp lực quá tải cho trạm cân, buộc những người thừa hành phải nhấc ba-ri-e “tháo khoán” nếu không muốn đường độc đạo thành… đường tắc!
Nhìn cảnh này, nhiều người dân lắc đầu ngao ngán: “Cả nước có 63 tỉnh, thành, nếu tất cả cùng bắt tay xiết chặt thì ngán gì mấy trò đối phó này. Mắc mớ chi mà không làm?”.
Vẫn thiếu đồng bộ
Đó là nhận xét của dư luận, dù khẳng định phải kiểm soát và chấm dứt trình trạng xe chở quá tải. Sự nóng sốt, quyết liệt của Bộ GTVT là đáng ghi nhận, song việc “kết nối” thành quyết tâm chính trị và hành động chung cho 63 tỉnh, thành là không hiệu quả, ngoài cố gắng trang bị đủ mỗi tỉnh, thành một bộ cân. Đã có tới gần 30 tỉnh, thành chỉ vì chậm làm các thủ tục pháp lý mà không kịp “vào cuộc” cùng đồng loạt kiểm tra tải trọng xe với các tỉnh, thành bạn.
Trải dài từ Nam ra Bắc, sự thiếu vắng của các tỉnh, thành này đã tạo nên một cung đường “đứt – nối” các trạm cân, gây ra sự bất công bởi có tỉnh thì cân, có tỉnh thì không, chạy qua tỉnh này không phạt mà sang tỉnh kia mới bị dừng phạt.
Chính giới lái xe đã “mách nước” cho Bộ GTVT: “Sao không đặt cân ngay ở các chân hàng, các bến bãi ấy? Một khi đặt cân ở những chỗ đó, liệu còn mấy đầu xe thoát được mà chở quá tải?”. Đáng tiếc, lời “mách nước” ấy chả thấy ai tiếp thu, hay tự tin mình đã đủ khôn ngoan rồi mà Bộ GTVT… im lặng?
Sau 10 ngày đồng loạt ra quân kiểm tra tải trọng xe, có lẽ mới chỉ có các tuyến đường khắp cả nước là… “nhẹ nhõm” đôi phần. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đang ra tiếp “chỉ lệnh” “kiểm tra 24/24h, quyết liệt xử lý, dứt khoát cho dừng hoạt động những doanh nghiệp cố tình chở quá tải”.
Dư luận đã nhìn thấy hiệu quả của việc siết chặt kiểm soát tải trọng xe, cũng đã phản ánh đầy đủ những bất cập sau 10 ngày áp dụng trong thực tế. Vậy, cớ gì mà Bộ GTVT không bình tĩnh làm một cuộc “sơ kết”, gạn lấy những hiệu quả đích thực, chỉ thẳng những bất cập và nhanh chóng áp dụng các giải pháp hóa giải?
Hết cảnh chở quá tải, đường sá bền đẹp hơn, giảm thiểu tai nạn giao thông… là những đích cuối phải đạt được chứ không phải “cái đích” ba bề bốn bên cùng… “quá tải” như hiện nay…
* Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam:
Hành xử vậy là văn minh
Cân xe không chỉ góp phần chống xuống cấp hạ tầng, làm cho đường sá hết “đau” mà còn giúp cho cước vận tải trở lại giá trị thực của nó. Bà con nông dân ở những vùng chuyên canh nông sản nói kiểm soát tải trọng gắt gao làm cho giá cước đội lên, hàng hóa ùn ứ không vận chuyển được.
Như vậy có thể hiểu, lâu nay nông dân, chủ hàng đã “ép” chủ xe khiến họ phải chở quá tải, hạ giá để cạnh tranh và trang trải chi phí “đen” trên đường. Giờ chở đúng tải thì giá phải đúng với giá thành của nó nên đối tượng chịu tác động đầu tiên là người dân. Tôi nghĩ chúng ta nên chấp nhận nó bởi đó là cách hành xử văn minh và có lợi. Giới vận tải đàng hoàng thì vô cùng hoan hô chủ trương này và mong việc cân xe phải diễn ra đồng loạt cả nước, 24/24h chứ hiện nay mới chỉ làm được hơn 30 tỉnh.