1 vụ kiện, 4 “đời” thẩm phán, 2 bị kỷ luật

Ông Hoạt (bị đơn) tại phiên tòa vừa diễn ra.
Ông Hoạt (bị đơn) tại phiên tòa vừa diễn ra.
(PLO) -Vụ tranh chấp dân sự về giá trị tài sản không lớn nhưng kéo dài hơn 3 năm. Một tòa án huyện có 5 thẩm phán, bốn người được phân công xét xử thì hai người bị kỷ luật do có hành vi gian dối, đánh lừa bị đơn.

Tranh cãi nợ trả rồi hay chưa

Sáng 20/6, TAND huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) xét xử vụ án tranh chấp dân sự giữa nguyên đơn là vợ chồng bà Nguyễn Thị Cúc (SN 1956, ngụ khối 5, thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) với bị đơn là vợ chồng ông Nguyễn Như Hoạt (SN 1970, ngụ thôn Chư Cúc, xã Ea Kmut).

Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả những khoản vay gồm 170 triệu, 150 triệu và 165 triệu tiền góp vốn mua đất.

Đại diện ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Vào ngày 09/3/2008, vợ chồng nguyên đơn góp vốn với vợ chồng bị đơn 165 triệu đồng để mua một lô đất. Số tiền này được giao đủ, có giấy viết tay, chữ ký của bị đơn.

Nhưng khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ có tên bị đơn. Sau đó, lô đất bị ngân hàng phát mãi do bị đơn vay tiền nên năm 2015, nguyên đơn khởi kiện đòi 165 triệu đồng đã góp.

Khoản tiền thứ hai là 150 triệu do bị đơn vay vào ngày 1/12/2010, thời hạn trả nợ là sáu tháng, không thỏa thuận về lãi suất. 

Số tiền thứ ba là 170 triệu đồng là do bị đơn vay hai lần 50 triệu đồng (vay ngày 7/5/2011) và 150 triệu đồng (vay ngày 25/11/2011). Hai khoản vay này không thỏa thuận thời hạn trả nợ và lãi suất. Sau đó, bị đơn có trả 30 triệu đồng nên còn lại 170 triệu đồng.

Tại phiên tòa, nguyên đơn cho rằng bị đơn chưa hề trả nợ và yêu cầu phải thanh toán toàn bộ số tiền trên. Số tiền 170 triệu đồng tính lãi suất theo ngân hàng, còn hai khoản trên không yêu cầu lãi suất.

Phía bị đơn lại trình bày, thừa nhận nợ của nguyên đơn 170 triệu đồng, còn hai khoản kia đã trả từ trước. Theo bị đơn, số tiền 165 triệu đồng góp vốn mua đất, do giá đất sụt giảm, nguyên đơn không muốn góp nữa nên yêu cầu trả lại tiền cách ngày góp vốn chừng 3 tháng. Lúc trả tiền lại, giao dịch mua đất chưa thành.

Sau đó, bị đơn tiếp tục giao dịch và đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nguyên đơn biết việc này. Bị đơn xây tường rào, xây nhà, rồi lô đất trên bị ngân hàng phát mãi, nguyên đơn đều biết nhưng không ý kiến, không hiểu sao đến năm 2015 lại tiếp tục khởi kiện đòi tiền.

Với số tiền 150 triệu vay ngày 1/12/2010, bị đơn cho rằng trong thời gian này có thuê nhà, đất của nguyên đơn từ năm 2006, sau đó tạo dựng được tài sản trên đất nên đến ngày 7/5/2011, hai bên thỏa thuận tài sản trên trị giá 100 triệu đồng và trừ vào tiền vay 150 triệu đồng. Số còn lại 50 triệu đồng được viết thành giấy nợ trong số tiền 170 triệu đồng nêu trên.

Bị đơn tự “săn” bằng chứng

Thời điểm năm 2013, nguyên đơn chỉ khởi kiện đòi số tiền 170 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, bị đơn yêu cầu nguyên đơn trả lại bộ bàn ghế bằng gỗ trắc đã được đưa đến nhà nguyên đơn làm tin cho khoản vay 150 triệu đồng vào ngày 25/11/2011. 

Bị đơn – ông Hoạt chia sẻ: “Khi tôi vay 150 triệu đồng của bà Cúc nhưng không thể cầm cố nhà cửa trả nợ được, khoảng hơn một tháng sau, bà Cúc yêu cầu tôi chở bộ bàn ghế đến nhà làm tin, chứ bà bị chồng cằn nhằn, đòi giết. Bộ bàn ghế này là vật kỷ niệm của gia đình, tôi không muốn đưa đi nhưng phải thuê người chở đến nhà bà Cúc vì sợ chồng bà giết người thật. Sau đó, bà Cúc bán bộ bàn ghế cho người khác”.

Do nguyên đơn không thừa nhận, tòa án không làm rõ, cơ quan chức năng không vào cuộc, ông Hoạt tự mình đi “săn” bằng chứng. Ông Hoạt nói: “Suốt bốn tháng trời, tôi lang thang từ Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM. Nơi nào có người quen với bà Cúc tôi đều tìm cách làm quen, vào nhà để xem có bộ bàn ghế của tôi hay không”.

Sau hơn bốn tháng, tốn gần 100 triệu đồng, ông Hoạt mới phát hiện bộ bàn ghế của mình được bà Cúc bán cho một người quen ở gần nhà tại huyện Ea Kar. Ngay lập tức, ông Hoạt trình báo Công an huyện Ea Kar yêu cầu lập biên bản, thu giữ làm tang vật. Theo ông, Công an huyện có lập biên bản nhưng không thu giữ, không niêm phong, không có biện pháp ngăn chặn nên sau đó, bộ bàn ghế đã bị tẩu tán.

Biên bản đối chất ngày 19/6/2013, nguyên đơn thừa nhận có nhận bộ bàn ghế gỗ trắc của bị đơn, sau đó bán cho người khác.
Biên bản đối chất ngày 19/6/2013, nguyên đơn thừa nhận có nhận bộ bàn ghế gỗ trắc của bị đơn, sau đó bán cho người khác.

Từ đây, bà Cúc mới thừa nhận có nhận bộ bàn ghế của ông Hoạt làm tin cho khoản vay nhưng do thiếu nợ nên mang đi cấn trừ. Bà cũng tiếp tục khởi kiện bổ sung hai khoản nêu trên mà theo ông Hoạt đã trả từ lâu. 

Ông Hoạt cho rằng bà Cúc có hành vi “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nên có đơn yêu cầu công an khởi tố hình sự. Công an huyện Ea Kar vào cuộc, trong lời khai, tờ tự tường trình, bà Cúc đều cho rằng có nhận bộ bàn ghế để làm tin cho khoản vay 150 triệu đồng. Tuy nhiên, cơ quan công an cho rằng không có yếu tố hình sự nên không khởi tố.

Ông Hoạt nói, dù khai nhận ở cơ quan điều tra nhưng bà Cúc tiếp tục lật kèo. Tại tòa, người ủy quyền của bà Cúc cho rằng lời khai của bà ở cơ quan điều tra là do tinh thần không ổn định, bộ bàn ghế là do ông Hoạt mang đến cấn trừ nợ vào số tiền 165 triệu đồng tiền góp vốn mua đất chung. 

Bản án “vượt cả yêu cầu”

Trước khi diễn ra phiên tòa vừa qua, trong 3 năm, tại TAND huyện Ea Kar có 3 trong 5 thẩm phán được phân công xử lý vụ án (thẩm phán xét xử hôm 20/6 là người thứ tư).

Tuy nhiên, với hành vi gian dối đưa bị hại vào bẫy, hai thẩm phán đã bị kỷ luật. Cả hai thẩm phán bị VKS huyện Ea Kar kháng nghị hủy án vì vi phạm tố tụng, không thu thập chứng cứ, đưa tài sản của bị hại bị nguyên đơn chiếm giữ vào xét xử.

Tại phiên tòa ngày 20/6, ông Hoạt – bị đơn yêu cầu HĐXX kiến nghị đến công an khởi tố bà Cúc tội “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, xử lý người để bộ bàn ghế bị tẩu tán và thu hồi trả lại cho mình bộ bàn ghế. Ông không yêu cầu tính giá trị bộ bàn ghế thành tiền, sau khi thu hồi mới xem xét hư hỏng để yêu cầu có có bồi thường hay không.

Luật sư phía bị đơn cho rằng, để đảm bảo quyền và lợi ích, thu hồi được tài sản là bộ bàn ghế trên cho bị đơn, HĐXX cần tạm đình chỉ vụ tranh chấp dân sự này, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.

“Do bộ bàn ghế hiện giờ không biết ở đâu, nên chỉ có luật tố tụng hình sự mới có thể thu hồi được bộ bàn ghế cho bị đơn. Còn luật dân sự thì không thể”, luật sư phát biểu.

Phía nguyên đơn thì bảo lưu yêu cầu đòi bồi thường của mình như ban đầu và phản bác việc khởi tố hình sự đối với bà Cúc. Vì theo nguyên đơn, công an đã có quyết định không khởi tố và nhiều lần trả lời bị đơn việc đó là dân sự.

HĐXX đã hỏi làm rõ nhiều vấn đề khúc mắc của vụ án. Tuy nhiên, sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên một bản án “huề cả làng” nhằm mong muốn xoa dịu cả nguyên đơn và bị đơn: chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn là khoản tiền 165 triệu đồng, 170 triệu đồng và bác yêu cầu số tiền 150 triệu đồng.

Phía bị đơn cho rằng, bản án được tuyên vi phạm nghiêm trọng về tố tụng dân sự. Thứ nhất, bản án vượt quá yêu cầu của nguyên đơn và bị đơn.

Nguyên đơn không yêu cầu tính lãi suất đối với số tiền 165 triệu đồng nhưng HĐXX tự tính theo lãi suất của ngân hàng là 0.75%/tháng, buộc bị đơn trả gần 73 triệu tiền lãi. Tổng cộng bị đơn phải trả tổng cộng số tiền 458 triệu đồng cho nguyên đơn.

Thứ hai, bị đơn không yêu cầu định giá bộ bàn ghế, chưa yêu cầu bồi thường nhưng HĐXX cũng tự ý định giá, tự ý tính thiệt hại để buộc nguyên đơn bồi thường cho bị đơn. Tổng cộng số tiền nguyên đơn phải trả cho bị đơn liên quan đến bộ bàn ghế là gần 400 triệu. Kết quả bị đơn chỉ phải trả cho nguyên đơn gần 60 triệu đồng.

Ngoài ra, theo ông Hoạt, HĐXX vi phạm về việc định giá bộ bàn ghế. Ông Hoạt cho biết bộ bàn ghế đó do ông thuê đóng với giá gần 15 cây vàng cách đây gần 20 năm, trị giá thị trường hiện nay là hơn 1 tỷ đồng, nhưng HĐXX tự định giá là 280 triệu đồng.

Trên thực tế, HĐXX từng thành lập một hội đồng định giá nhưng khi đến nơi, bộ bàn ghế đã bị bán, không định giá được. HĐXX liền nhờ người khác đi khảo sát và nhận được báo cáo là bộ bàn ghế có giá 280 triệu đồng nên mang ra tuyên án luôn.

Kết thúc phiên tòa, phía bị đơn cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo lên TAND tỉnh Đắk Lắk.

Đọc thêm

Vụ án Ban quản trị chung cư Miếu Nổi “tham ô”, “lợi dụng chức vụ”: Tự ý tiêu xài nhiều tỉ đồng đóng góp của cư dân

Đối tượng Phương và Đại khi bị bắt. (Ảnh: Công an cung cấp)
(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa ban hành kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung vụ án xảy ra tại chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh). CQĐT đề nghị truy tố Phạm Phương, Đinh Việt Cường cùng về tội "Tham ô tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; Phan Dương Đại, Lê Văn Bình, Nguyễn Phước Nguyên tội "Tham ô tài sản"; Tôn Ngọc Bạch, Nguyễn Thị Đào về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Tuyên án vụ Xuyên Việt Oil

Các bị cáo tại phiên xử. (Ảnh: Quỳnh Trần)
(PLVN) - Hôm qua (29/11), TAND TP HCM công bố bản án với cựu Bí thư tỉnh Bến Tre Lê Đức Thọ; cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh; cùng 12 bị cáo khác.

Đánh người suýt mất mạng, 4 thanh niên lĩnh 31 năm tù

Các bị cáo tại phiên tòa.
(PLVN) - Ngày 27/11, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt 4 bị cáo: Nguyễn Tấn Tường (21 tuổi), Trần Xuân Tuyến (23 tuổi), Trần Hữu Tèo (29 tuổi); Nguyễn Văn Khanh (23 tuổi), tổng cộng 31 năm tù về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án này là N.T.D (18 tuổi, ngụ TP Phú Quốc), hiện bị tổn thương cơ thể do các bị cáo gây ra là 44%.