Nhanh chóng hỗ trợ người dân thiệt hại
Liên quan đến những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp công nghiệp gang thép Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, khiến hải sản chết bất thường tại các tỉnh miền Trung, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các đồng chí lãnh đạo nói chung và các bộ, ban, ngành, đơn vị liên quan đã đạt được những kết quả buộc Fomosa nhận trách nhiệm và chấp nhận bồi thường.
Về việc sử dụng khoản tiền 11.500 tỷ đồng phía Formosa đã cam kết đền bù, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo chủ trương chính sách để cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết xử lý và tái môi trường và có chính sách về việc hỗ trợ việc làm cho người dân các địa phương, vùng bị ảnh hưởng sau sự cố môi trường vừa qua.
Thủ tướng lưu ý thêm, yêu cầu quan trọng nhất sau việc này là Formosa phải cam kết không tái diễn hành vi vi phạm, nếu tái diễn sẽ kiên quyết đóng cửa. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, không thể vì phát triển kinh tế, vì thu hút đầu tư mà bỏ qua môi trường, nhất là môi trường sống của người dân.
Đảm bảo tất cả các đối tượng đều được hỗ trợ
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯMTTQVN), Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc công bố nguyên nhân và buộc trách nhiệm cá chết trong ngày hôm qua rất ý nghĩa với nhân dân, đồng thời phát tín hiệu doanh nghiệp phải có trách nhiệm đảm bảo kinh doanh, bảo vệ môi trường,
Chủ tịch UBTƯMTTQVN cho biết thêm, đến nay, Mặt trận và các đoàn thể đã có vận động hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng. “MTTQVN và đoàn thể chính trị - xã hội đã tiến hành 4 đoàn giám sát. Đến nay cơ bản các tỉnh đã hoàn thành việc phát 300 tấn gạo tới hơn 40 ngàn hộ dân bị ảnh hưởng. Hỗ trợ hộ nuôi thủy sản bị thiệt hại hơn 9.800 tỷ đồng.
Trong đó, Hà Tĩnh là 660 triệu đồng; Quảng Trị 8 tỷ đồng; Huế là 1,5 tỷ đồng. Đặc biệt hỗ trợ hơn 8.100 chủ tàu thuyền ngừng khai thác với giá trị hơn 53 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương cũng bổ sung chính sách hỗ trợ người dân ảnh hưởng. Các tổ chức xã hội, doanh nghiệp vận động được hơn 45 tỷ đồng và hơn 100 tấn gạo cho nhân dân các vùng thiệt hại”, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBTƯMTTQVN cũng đưa ra khó khăn trong việc việc hỗ trợ như vấn đề hỗ trợ nuôi ngao của người dân tại thị xã Kỳ Anh; hỗ trợ tàu đánh bắt xa bờ nhưng tàu đánh bắt gần bờ lại không được hỗ trợ; chính sách khôi phục thủy hải sản; hỗ trợ thu mua tạm trữ cá; chính sách khôi phục du lịch biển chưa có.
“Thời gian qua chủ yếu tập trung hỗ trợ ngư dân; còn người làm dịch vụ ăn uống, du lịch gắn với kinh tế biển thì chưa được hỗ trợ. Bên cạnh đó, ngành giáo dục giảm các khoản đóng góp của con em người dân bị ảnh hưởng”, ông Nhân nói.
Xây dựng Chính phủ vì người dân
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, có kỷ luật, kỷ cương tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, người dân được làm cái gì mà pháp luật không cấm. Muốn tăng trưởng kinh tế phải tạo ra tiền đề để người dân và doanh nghiệp tạo ra tăng trưởng.
Thủ tướng cũng lưu ý với các ban ngành, lần đầu tiên Việt Nam bị thiên tai hạn hán nghiêm trọng. Chính vì vậy, nông nghiệp Việt Nam lần đầu tiên sụt giảm và không thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, nền kinh tế còn tồn tại nhiều điểm yếu, các loại tái cơ cấu mới chỉ bước đầu; chưa xử lý các điểm nghẽn một cách cốt lõi dẫn đến nền kinh tế có nguy cơ bất ổn.
Trong 6 tháng còn lại của năm 2016, để đạt được những mục tiêu đề ra, Thủ tướng yêu cầu: “Cái gì bị chậm trễ không phù hợp phải xóa bỏ, tăng cường minh bạch xóa bỏ cơ chế xin - cho trên tất cả các lĩnh vực, lợi ích nhóm trong chính sách, đẩy mạnh xã hội hóa, cái gì thị trường làm tốt thì để thị trường làm, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của tăng trưởng và tạo việc làm mới”.
Nhấn mạnh vấn đề phân cấp, phân quyền, cấp nào làm sai, chưa tốt thì cấp đó chịu trách nhiệm, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính đề cao trách nhiệm trong phối hợp. Thủ tướng yêu cầu cần công khai minh bạch để người dân theo dõi giám sát. Hành động quyết liệt, ưu tiên cho tái cơ cấu nền kinh tế tạo điều kiện cho tăng trưởng dài hạn, trước mắt chưa điều chỉnh chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra. “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, dám nghĩ, dám làm. Phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách của từng bộ, ngành, đơn vị, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức cơ quan, đơn vị”.