Ngày 6/3/2018, Báo PLVN đăng tải bài viết: “TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương: Vì sao không xử lý dứt điểm việc xây dựng trái phép trên đất lấn chiếm?” phản ánh về việc gia đình ông Phùng Văn Dự (SN 1968, thôn Tân Lập, xã Thượng Đạt) ngang nhiên lấn chiếm đất ao để xây dựng nhà cao tầng kiên cố.
Tương tự, ngôi nhà của ông Chủ tịch UBND xã Thượng Đạt cùng nhiều nhà, xưởng của các hộ dân khác trong xã cũng bị người dân phản ánh là xây dựng trái phép trên đất lấn chiếm. Sau khi có kiến nghị, UBND TP Hải Dương đã vào cuộc kiểm tra, xác minh.
Theo đó, tại Biên bản số 144/BB-XM ngày 7/2/2018 xác minh vụ việc vi phạm hành chính của Phòng TN&MT TP Hải Dương đã nêu rõ: Qua kiểm tra hiện trạng khu đất của ông Phùng Văn Dự đang sử dụng, ông Dự có hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất ao khoán của UBND xã Thượng Đạt sang đất phi nông nghiệp tại thửa 105, tờ 06 canh tác. Ông đang xây dựng nhà 02 tầng, tường chịu lực với diện tích khoảng 135m2/một tầng.
Đối chiếu hành vi trên, đoàn kiểm tra yêu cầu ông Dự phải tự tháo dỡ ngay công trình xây dựng vi phạm trên đất 03, trả lại mặt bằng nguyên trạng ban đầu và gửi văn bản yêu cầu được giải trình đến Trưởng Phòng TN&MT trước ngày 12/2/2018 để thực hiện quyền giải trình.
Về việc xây dựng nhà của các hộ: Hoàng Văn Hùng (Hằng), Hoàng Thị Hằng (Hưng), Hoàng Văn Nghĩa (Quỳnh) thôn Thụy Trà, xã Thượng Đạt biên bản làm việc ngày 7/2/2018 cho biết, cả 4 căn nhà trên được xây dựng trên đất nuôi trồng thủy sản của ông Hoàng Văn Viễn theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1196, UBND huyện Nam Sách cấp ngày 10/7/2006. Những hộ gia đình này đều là em, cháu của ông Viễn. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các chủ sử dụng đất hiện trạng cung cấp, xuất trình các giấy tờ liên quan trước ngày 12/2/2018.
Đối với xưởng sản xuất của ông Nguyễn Tiến Hiệp (thôn Tân Lập, xã Thượng Đạt), biên bản làm việc ngày 7/2/2018, nêu rõ: Hiện trạng trên đất ao khoán của UBND xã Thượng Đạt, vị trí sau nhà ông Nguyễn Văn Lượng. Đây là xưởng sản xuất gia công phụ kiện bếp ga, gồm 7 máy gia công và một máy ép nhựa, được xây dựng bằng tường gạch, kèo sắt, mái tôn với diện tích khoảng 290m2.
Theo trình bày của gia đình, xưởng được hoàn thành vào tháng 7/2017 và đi vào hoạt động sản xuất từ tháng 10/2017. Xưởng được xây dựng trên một phần đất ở của gia đình (có bìa đỏ) và một phần đất ao khoán của UBND xã Thượng Đạt (chưa rõ diện tích).
Tương tự đối với xưởng sản xuất của ông Đỗ Văn Trưởng (khu dân cư số 1, xã Thượng Đạt), biên bản làm việc ngày 7/2/2018 cũng cho biết: xưởng xây dựng trên hiện trạng đất của ông Nguyễn Văn Giới, là một xưởng sản xuất tái chế phế liệu (nghiền nhựa). Xưởng được ông Trưởng xây dựng vào năm 2012 và đưa máy móc vào hoạt động đầu năm 2017.
Tại thời điểm kiểm tra có 4 máy móc đang hoạt động. Đoàn kiểm tra sau đó đã yêu cầu hai xưởng sản xuất trên trước ngày 12/2/2018 phải xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, một số trường hợp xây dựng khác mà người dân phản ánh như hộ ông Phùng Văn Năng (Năng Gấm), hộ Hoài Nhiên, hộ Tới Nhất và đặc biệt là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Thượng Đạt vẫn chưa được cơ quan chuyên trách có ý kiến hay tiến hành kiểm tra, xác minh.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng TNMT TP Hải Dương cho biết, sau khi có kiến nghị của người dân, UBND TP Hải Dương đã nhiều lần đôn đốc yêu cầu Chủ tịch UBND xã Thượng Đạt phải xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm. Sau đó, Chủ tịch UBND xã đã mời người dân đến làm việc để yêu cầu họ tự tháo dỡ. Sau ngày 24/3/2018, nếu người dân không tự tháo dỡ, xã sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ theo đúng quy định pháp luật.
Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 8/4/2018, ngôi nhà hai tầng của hộ ông Phùng Văn Dự vẫn còn đó. Nếu như cách đây khoảng một tháng, phần tầng hai của gia đình đã được cho lắp cửa, có thể ở được và tầng một được quây kín lại thì nay, phía trước của cả hai tầng đều đã được gia đình dùng bạt, tôn, tấm gỗ quây kín bưng. Một số người dân cho hay, sau khi bị phản ánh và kiểm tra, gia đình ông Dự có tự tháo dỡ một phần rất nhỏ phía trước mái của tầng hai.
“Họ làm cho có lệ chứ phần tháo dỡ quá nhỏ nên không hề ảnh hưởng tới việc ở hay sinh hoạt phía bên trong nhà của gia đình”, một người dân bức xúc.
Tại xưởng sản xuất của ông Nguyễn Tiến Hiệp và ông Đỗ Văn Trưởng, mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường.
Những vi phạm về xây dựng ở xã Thượng Đạt là quá rõ, UBND TP Hải Dương đã có ý kiến xử lý rõ ràng nhưng đến nay sau một tháng Báo PLVN phản ánh, những vi phạm tại đây chưa được giải quyết dứt điểm? Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng chính quyền địa phương nơi đây “bất lực”, hay dung túng cho sai phạm?
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.