Quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả, từ năm 2000 đến năm 2018 khi kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng hơn 13,6 lần (từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 55,8 tỷ USD năm 2018). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình hình thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã và đang có xu hướng giảm.
Cụ thể, tính đến tháng 11/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU đã giảm 1,26% so với cùng kỳ năm 2018. Thống kê kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chính vào thị trường EU cũng cho thấy sự sụt giảm. Trong đó điện thoại và linh kiện giảm 16%, cà phê giảm 16,4%, thuỷ hải sản gần 13%.
Dự kiến trong năm 2019, xuất khẩu vào EU đạt khoảng 41,8 tỷ USD, giảm 3,6% so với năm 2018.
Ông Vũ Hoàng Linh cho biết, một trong những nguyên nhân khiến cho kim ngạch sụt giảm là do xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển nóng. Các mặt hàng nông sản như cafe, hạt tiêu, hạt điều chủ yếu là xuất khẩu thô bị tác động mạnh từ giá cả thế giới giảm mạnh do nguồn cung tăng cao.
Bên cạnh đó là hàng rào kỹ thuật với các quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của EU..
Nhóm hàng thủy sản cũng gặp khó khăn khi Việt Nam đang chịu tác động của việc bị EU rút thẻ vàng do chưa tuân thủ các quy định của Ủy ban châu Âu về việc đánh bắt cá trái phép. Xuất khẩu cá tra giảm do truyền thông một số nước EU như Pháp, Tây Ban Nha đưa thông tin tiêu cực về nuôi trồng cá tra tại Việt Nam.
Sự cạnh tranh khắc nghiệt tại thị trường cùng việc chậm thực thi EVFTA cũng làm mất đi cơ hội tăng trưởng kim ngạch của ngành thủy sản.
Ngoài ra, việc sụt giảm kim ngạch mặt hàng máy tính, linh kiện điện tử cũng tác động đến kết quả xuất khẩu sang châu Âu. Việc sụt giảm này được lý giải là do phụ thuộc vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó điển hình là việc Samsung kết thúc đợt đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Galaxy Note 10 và mặt hàng máy tính bảng sang EU.
Một nguyên nhân khác nữa cũng được nhắc đến là có thể xuất hiện hiện tượng chững lại trước khi EVFTA có hiệu lực, là các doanh nghiệp có thể muốn "găm" hàng để hưởng lợi từ các cam kết trong EVFTA.
Trước đó, ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban thương mại quốc tế cho biết, dự kiến Uỷ ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu sẽ tiến hành bỏ phiếu trình phê chuẩn EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) vào tháng 1/2020. Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu phê chuẩn vào tháng 2/2020.
Như vậy, ông Linh cho rằng, có thể hy vọng rằng hiệp định EVFTA sẽ được thông qua và bước vào giai đoạn thực thi trong nửa đầu năm 2020.