Một thiền sư được giao đến trông nom chùa, vừa bước tới Tam Bảo đã bị rắn cắn nên sợ quá đi mất. Những vị sư tiếp đó đến chùa cũng chỉ ở được một thời gian rồi bỏ chùa mà đi. Một vị ở được lâu nhất là ba năm, không hiểu sao đến một đêm bỗng khăn gói ra đi không thấy quay lại. Nhiều vị sư đến vãn cảnh đã ngấp nghé muốn ở lại, nhưng cứ vào thắp nhang xong đều “mất tích” cả.
Sư thắp hương xong lại lẳng lặng bỏ đi
Nằm cách trung tâm TP.Bắc Giang 20km về phía Đông Bắc, xã Tiên Lục nổi tiếng về những cụm di tích văn hóa từ mấy trăm năm trước. Trong số đó, chùa Phúc Quang được coi là nơi thờ tự linh thiêng, có kiến trúc độc đáo và gắn với những câu chuyện huyền thiêng kỳ bí nhất.
Chùa Phúc Quang trầm mặc, uy nghiêm dưới những tán cây cổ thụ quanh năm rợp bóng mát. Ngôi chùa hiện nay được xây mới từ ngày 20/3/1734 dưới thời Vua Long Đức thứ ba, bên cạnh ngôi chùa cổ do sư cụ Chiếu Chiêm Nguyễn Đức Tính kêu gọi nhân dân hợp sức xây dựng.
Đặc biệt, chùa vẫn lưu giữ được chiếc chuông lớn có từ khi mới xây dựng và hệ thống 90 pho tượng Phật cổ quý giá. Nhắc đến chùa, người dân trong vùng đều kể câu chuyện về lời nguyền của một vị vua lạ khiến cho chùa “vắng chủ” suốt 300 năm nay.
Theo các cụ cao niên, trước kia có một vị vua mặc thường phục vi hành, vô tình đi qua ngôi chùa Phúc Quang. Vì trước đó có hiềm khích với đạo Phật nên vị vua này đã để lại lời nguyền: Bất kì nhà sư nào cũng không được ở trong chùa này.
Người dân nghĩ đó chỉ là câu nói buột miệng của vua nên không để tâm. Cho đến sau này, có một thiền sư được giao đến trông nom chùa, nhưng vừa bước tới Tam Bảo đã bị rắn cắn nên sợ quá bỏ chùa.
Những vị sư tiếp đó đến chùa chỉ ở được một thời gian rồi cũng “bỏ chùa mà đi”. Dân chúng khi ấy mới nhớ đến vị vua lạ và bắt đầu lan truyền câu chuyện “rắn thần ứng nguyện lời nguyền cản bước các vị sư”.
Ông Nguyễn Đình Thuấn - người trông nom chùa lâu nay cho biết, ngày trước có một vị sư ở được lâu nhất là ba năm, nhưng không hiểu sao đến một đêm bỗng khăn gói ra đi không thấy quay lại.
Đó là chuyện về sư Thích Huệ Cửu, tên khai sinh là Nguyễn Thành Chung (quê ở Ninh Thuận), về trụ trì từ năm 2010. Thầy Cửu hết lòng chăm lo công việc nhà chùa, các cụ trong làng từ đó cũng thường xuyên đến chùa lễ Phật nhiều hơn. Cả xã rộn ràng vì chùa Phúc Quang đón được vị thiền sư tốt.
Tuy nhiên, chưa đầy ba năm sau, ngày 2/3/2013, sư Cửu lẳng lặng bỏ đi trong đêm khiến người dân nơi đây không khỏi thắc mắc.
“Sư Cửu gọi xe giữa đêm, thu dọn hành lý bỏ đi, đến sáng người dân trong làng mới biết. Sau đó không ai nghe tin gì về sư Cửu nữa. Người dân thì bán tín bán nghi, không rõ lý do trụ trì bỏ chùa ra đi không lời từ biệt” - ông Thuấn nhớ lại.
Vẫn theo lời kể, sau sư Cửu, rất nhiều vị sư khác đến thăm chùa thấy cảnh trí đẹp cũng muốn ở lại, nhưng sau khi thắp hương khấn vái xin phép đều lẳng lặng ra đi, không bao giờ trở lại.
Cảnh chùa Phúc Quang |
Cụ Nguyễn Thị Bộ - một cao niên trong làng, cho biết: “Rất nhiều vị sư đến đây vãn cảnh, không ít người đã ngấp nghé muốn ở lại chùa để cai quản công việc nhang đèn. Nhưng không hiểu vì lý do gì, cứ vào thắp nhang trong chùa xong đều “mất tích” cả.
Đầu năm 2014, có một ni cô đã định ở lại, vậy mà vào nhìn cây hương có dòng chữ Nho lạ liền bỏ đi, từ đó không quay trở lại”.
Sư bất tín không dám ở chùa
Dù không lý giải được vì sao chùa không sư nhưng người dân đều tin tưởng vào sự linh thiêng của chùa. Bằng chứng là suốt những năm tháng chiến tranh, mặc dù khu vực xung quanh bị bom đạn oanh tạc đến xơ xác, riêng chùa Phúc Quang và xã Tiên Lục vẫn được bảo vệ an toàn.
Họ cho rằng chính ngôi chùa hơn 300 năm tuổi đã trấn giữ vùng đất này, giúp dân an
cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, dân xã Tiên Lục vẫn không ngừng thắc mắc lý do vì sao một ngôi chùa linh thiêng, có kiến trúc đẹp, cảnh quan thanh bình như thế mà vắng chủ. “Không hiểu vì sao người dân trong làng luôn chào đón các vị sư mà không ai dám trụ trì quá ba năm cả. Chuyện xưa như thế nào thì tôi không rõ, nhưng nhiều người ở đây đều đoán các sư cứ đến rồi lại đi ngay vì sợ bất tín với nhà Phật” - cụ Tiềm, nhà gần chùa, nói.
Câu chuyện về vị sư Thích Huệ Cửu ở được ba năm thì bỏ đi được ông Thuần coi chùa hé lộ: Sư Cửu khi về chùa chưa được sự đồng ý của Hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang. Nhưng vì thương cảnh sư “rách nát” nên chính quyền địa phương cho phép sư thầy ở lại chùa.
Cụ thể: Vào cuối năm 2010, trời đang mưa rét có một vị sư không biết từ đâu đến xin tá túc trong chùa. Thấy vẻ ngoài hiền lành, đức độ nên người dân địa phương cho phép sư thầy ở lại, tiện việc trông nom công việc chùa chiền cho làng.
Mới đầu, người dân trong xã, đặc biệt là các cụ cao niên thấy chùa Phúc Quang có sư trụ trì thì rất phấn khởi, hay đến chùa vãn cảnh, lễ bái. Sư Cửu còn quyên tiền xây dựng mới một khu nhà khang trang mà đến nay nhà chùa vẫn đang sử dụng. Nhândân thấy vậy rất vui mừng.
Nhưng đó chỉ là thời gian đầu. Sau, người dân dần nhận thấy sư Cửu có những biểu hiện lạ. Đầu tiên là việc sư chọn người giúp việc chỉ toàn các bà góa, đứng tuổi. Tiếp đó là thái độ sư không đoan chính khiến người ngoài “nhức mắt”, nhất là các cụ trong làng thường xuyên lui tới vãn cảnh chùa.
“Các bậc cao niên nhiều khi đến chùa thấy sư thầy có hành động lân la đến mấy cô sãi phục vụ ở chùa mà thấy khó chịu lắm”, cụ Tiềm kể lại.
Không chỉ vậy, sư Cửu nhiều khi cử hành lễ bái không đúng tuần tự khiến người dân địa phương không hài lòng. Rồi đến trước khi diễn ra Lễ hội Tiên Lục, sư Cửu lặng lẽ đánh ô tô đưa hết đồ đạc đi trong đêm, dân làng không ai hay biết.
Dòng chữ bí hiểm “đuổi” sư?
Hỏi lý do chùa mấy trăm năm vắng sư, cụ bà Nguyễn Thị Bộ sống gần chùa, chỉ cười rồi lắc đầu: “Từ khi tôi sinh ra, chùa đã không có sư rồi. Còn sự tình tại sao thì tôi không hay biết”. Hỏi tiếp về lời nguyền xưa, bà Bộ liền đưa ý kiến: “Tôi cũng từng nghe về câu chuyện liên quan tới lời nguyền, nhưng có lẽ nó chỉ được người dân hư cấu để giải thích việc chùa không có sư thôi”.
Như trường hợp sư Cửu, bà Bộ cho rằng sư bị thần Phật “đuổi” khỏi chùa do những việc làm bất tín. Cùng chung quan điểm, ông Thuần cho biết: “Tôi sống ở đây mấy chục năm cũng nghe nhiều chuyện ly kỳ lắm, nhưng tất cả chỉ là đồn đoán thôi. Sự thực thì làm gì có lời nguyền hay câu chuyện liên quan đến rắn thần cản đường sư thầy nào”.
Người dân Tiên Lục luôn trông ngóng chùa Phúc Quang có được một vị sư về cai quản nhưng càng trông càng không thấy. “Nhiều người đồn rằng, dòng chữ trên cây ang chính là lời nguyền của vị vua nọ, khiến cho nhà sư nào đến cũng thất kinh hoảng sợ, không dám trụ lại chùa”, một người dân Tiên Lục cho biết.
Có lẽ, chính hiện tượng khó hiểu trên càng làm tăng sự kỳ bí, linh thiêng của chùa Phúc Quang. Người dân tin rằng ngôi chùa vẫn đang trong quá trình lựa chọn người “ưng ý” về làm trụ trì, và họ trông mong đó sẽ là một nhà sư đức độ, “hợp duyên” với chùa./