- Từ nay đến cuối năm 2024, đã, đang và sẽ có nhiều người đẹp Việt dự thi quốc tế. Gần nhất, Phạm Thị Ánh Vương đại diện Việt Nam tại Miss Asia Pacific International (Hoa hậu châu Á Thái Bình Dương Quốc tế) và gây chú ý khi lọt top 10 chung cuộc. Trong khi đó, Võ Lê Quế Anh cũng đang là cái tên được quan tâm tại Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế) 2024. Là người đồng hành, chọn và đưa các bạn đi thi, chị nhận xét như thế nào về thành tích của Ánh Vương cũng như hành trình của Quế Anh tại nước bạn?
Từ đây đến cuối năm, chúng tôi còn tới 3 đại diện sẽ tham gia thi tại các cuộc thi quốc tế, điều này vừa là áp lực vừa là thử thách của chúng tôi. Ánh Vương đã mang về cho chúng ta một thành tích tốt tại Miss Asia Pacific International là top 10 chung cuộc. Đây là thành tích đầu tiên của Việt Nam có được tại cuộc thi này, chúng tôi tự hào về điều đó.
Còn về đại diện Việt Nam tại cuộc thi Miss Grand International là Hoa hậu Quế Anh, như mọi người theo dõi cũng có thể thấy bạn rất nỗ lực trong hành trình này, bạn rất năng lượng trong suốt các hoạt động. Vừa qua, Quế Anh cũng đã lọt top 15 Grand Voice, và hoàn thành phần thi áo tắm, thật may mắn cô ấy đã thể hiện tốt và nhận được lời khen từ khán giả.
- Sắp tới Huỳnh Thị Thanh Thủy và Bùi Khánh Linh sẽ là 2 cái tên tiếp theo lên đường dự thi quốc tế. Cá nhân chị có kỳ vọng hay dự đoán gì về thứ hạng của 2 bạn tại cuộc thi? Đặc biệt với Khánh Linh - người có áp lực không nhỏ khi trước đó Bảo Ngọc, Ngọc Hằng từng giành giải cao tại Miss Intercontinental (Hoa hậu Liên lục địa)?
Năm nay, có một điều đặc biệt là năm nay là năm đầu tiên Hoa hậu Việt Nam đến với cuộc thi Miss International (Hoa hậu Quốc tế). Còn về hình ảnh của đại diện Việt Nam - Thanh Thủy cũng đang bám sát với tiêu chí của cuộc thi mẹ. Về sự kỳ vọng, đương nhiên chúng tôi luôn đặt cho các cô gái kỳ vọng cao nhất, nhưng mọi thứ còn phụ thuộc vào sự thể hiện của từng đại diện trong cuộc thi và một chút may mắn nữa.
Với thành công của Bảo Ngọc và Ngọc Hằng, chắc chắn cô gái tiếp theo dù có là ai cũng đều áp lực với những thành tích của các đại diện đi trước. Nhưng Khánh Linh cũng có những thế mạnh riêng của cô ấy, Khánh Linh có sự tự tin nhất định, sau một khoảng thời gian tiếp xúc nhiều hơn với các sân khấu cô ấy góp nhặt cho mình những kinh nghiệm và tôi nghĩ hiện tại là thời điểm chín muồi để Khánh Linh đi thi.
CEo Phạm Kim Dung. Ảnh: SV |
- Không thể phủ nhận, những năm qua nhan sắc Việt đã thăng hạng và đang có chỗ đứng khi liên tục đạt thành tích trên các đấu trường thế giới, như việc Thùy Tiên, Bảo Ngọc đăng quang Hoa hậu quốc tế. Theo chị đánh giá, đâu là thế mạnh của nhan sắc Việt tại quốc tế? Và yếu tố nào mang lại thành công này?
Thế mạnh của các cô gái bên cạnh vẻ ngoài xinh đẹp là năng lượng, định vị được bản thân có gì, đang làm gì và vì điều gì. Ở hiện tại, môi trường học tập và tiếp xúc với thế giới bên ngoài của các bạn cũng thuận lợi hơn, chỉ cần siêng năng và chọn lọc thông tin các bạn sẽ dễ dàng nâng cấp bản thân mình với vốn kiến thức phong phú. Cùng với động lực to lớn là dải sash trên vai, giúp cho các cô gái nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình tại các cuộc thi.
Là đơn vị đã và đang đưa các cô gái đi thi, công ty đều có sự đầu tư nhất định cho các bạn. Váy áo của các bạn mặc cho từng hoạt động của cuộc thi, từ đi luyện tập cho đến các sự kiện lớn đều được chuẩn bị và phân ra sẵn, đến buổi nào chỉ cần lấy ra mặc để không tốn thời gian suy nghĩ. Các kỹ năng catwalk, interview (phỏng vấn), giải phóng hình thể đều có các huấn luyện viên training (đào tạo) cho các bạn trước khi chính thức đi thi. Thế nên, sự đầu tư chỉn chu cho các đại diện khi tham gia các quốc tế cũng là một điều không thể thiếu.
Tôi nghĩ những điều này đã giúp cho Việt Nam những năm gần đây đã dần nâng vị thế của mình trên bản đồ nhan sắc thế giới.
- Mỹ, Ấn Độ Venezuela luôn có tên trong danh sách “cường quốc sắc đẹp” khi sở hữu nhiều vương miện tại các cuộc thi, chị có kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một “cường quốc Hoa hậu” trong tương lai?
Là một người làm trong lĩnh vực này, Việt Nam trong tương lai có thể trở thành một trong những cái tên đứng đầu bản đồ nhan sắc thế giới là điều mà tôi mơ ước. Không ai lại không kỳ vọng hình ảnh người con gái nước mình được lan tỏa nhiều hơn nữa trên thế giới cả. Và tôi nghĩ điều đó sẽ không quá xa vời khi các đại diện đến với các cuộc thi sắc đẹp của Việt Nam ngày càng nhiều cô gái trẻ, tài năng, học giỏi và bản lĩnh như vậy.
- Chị từng chia sẻ “đưa thí sinh quốc tế đi thi chưa bao giờ lời” nhưng đổi lại là tạo được hình ảnh đẹp cho các bạn, vậy liệu rằng sau những thành tích của các người đẹp Việt như Thùy Tiên, Bảo Ngọc, Ngọc Hằng… trên đấu trường quốc tế có giúp chị “bớt lỗ” khi đầu tư?
Với sự gắn bó cùng các đại diện qua nhiều năm như vậy, từ lâu với chúng tôi đó là công việc của mình, và phải làm nó cho thật tốt. “Lời” hay “lỗ” nó là khái niệm trong kinh doanh, nhưng việc xây dựng con người không thể chỉ tính lời lỗ. Một khi đã đưa các bạn đi thi, quản lý các bạn, nó giống như là mình nuôi dạy con em mình vậy, khi các bạn có thành tích tốt trong học tập thì đó đã là một món “lời” vô giá rồi.
“Bà trùm Hoa hậu” và Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 - Nguyễn Thúc Thùy Tiên. Ảnh: SV |
- Tuy nhiên, trong dư luận vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, Hoa hậu chỉ là người đạt giải cao nhất trong một cuộc thi. Họ đáp ứng được các tiêu chí của ban giám khảo. Hoa hậu là Hoa hậu của cuộc thi nên không thể đại diện cho phụ nữ Việt hay quốc gia Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Suy nghĩ của chị?
Thật ra ý kiến đó là hoàn toàn đúng, các thí sinh đi thi, trải qua các phần thi trong khuôn khổ cuộc thi và một trong số họ chiến thắng sau khi hoàn thành hành trình đó, người đó chính là người thắng cuộc. Còn một người mang trên mình dải sash Việt Nam và lan toả văn hóa, con người, tinh thần của Việt Nam tại cuộc thi quốc tế, về khái niệm gọi là đại diện thì cũng không sai. Và bất kỳ đại diện nào đến với cuộc thi, cũng đều cố gắng lan tỏa nét đẹp của Việt Nam, điều này cũng ít nhiều góp phần cho việc quảng bá Việt Nam nói chung.
- Việc các cuộc thi Hoa hậu không chỉ trong nước mà ở quốc tế cũng vướng vào một số ồn ào. Đơn cử gần đây, tại Miss Grand International, ông Nawat bất ngờ thông báo Cambodia không còn là “nước chủ nhà” của mùa giải dù cuộc thi đang diễn ra. Đây là sự cố hay khủng hoảng tất yếu sẽ xảy đến khi có quá nhiều cuộc thi Hoa hậu diễn ra mỗi năm, theo chị?
Thật ra mình cũng không trực tiếp nằm trong hoàn cảnh đó nên tôi cũng không có bình luận gì thêm. Về một người đã tổ chức, xây dựng lên danh tiếng của cuộc trong nhiều năm như vậy, tôi nghĩ Mr. Nawat cũng đã cố gắng đưa ra các quyết định làm thế nào để tốt nhất cho cuộc thi.
- Chị có gặp nhiều áp lực trong giai đoạn các cuộc thi Hoa hậu bão hòa, không còn sức hút lớn như trước? Có khi nào chị nghĩ đến việc cần phải giảm bớt các cuộc thi lại hay không?
Tôi có áp lực nhưng mỗi cuộc thi đều có tiêu chí và sức hút khác nhau, chỉ cần khai thác được nét đặc trưng của từng cuộc, tôi tin là khán giả vẫn đón nhận theo hướng tích cực.
- Vậy còn việc đưa các cuộc thi quốc tế về Việt Nam ở bối cảnh hiện tại, chị cho rằng, liệu có được khán giả đón nhận?
Đến hiện tại, tôi thấy đại đa số các khán giả vẫn đang ủng hộ, một phần vì sự yêu thích cá nhân đối với đại diện đó, một phần là vì đại diện đó đang mang trên mình dải sash Việt Nam.
- Theo chị, đâu là lợi ích của việc mang một sân chơi quốc tế về Việt Nam giữa bối cảnh kinh tế đang suy thoái?
Mang một sân chơi quốc tế về Việt Nam đồng nghĩa với việc chúng ta mang được nhiều đại diện các nước đến Việt Nam. Mỗi thí sinh quốc tế đều có sự ảnh hưởng nhất định ở đất nước của họ, khi đến với Việt Nam họ lan tỏa những hình ảnh đẹp của con người, văn hóa đất Việt đến nước họ. Với tôi đó là lợi ích về kích cầu du lịch và lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới.
Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ!