Alipay – nền tảng thanh toán của Alibaba và Tenpay – nền tảng thanh toán của mạng xã hội Wechat, có hệ thống thanh toán riêng. Khi người dùng thanh toán, tiền sẽ đi thẳng từ ngân hàng của họ sang tài khoản của họ trên Alipay, sau đó chuyển vào tài khoản người bán trên Alipay và cuối cùng là đổ về tài khoản ngân hàng của người bán...
Tham vọng 2 tỷ người dùng
Tại Trung Quốc, Alipay và TenPay chiếm 92% thị trường thanh toán di động, trong đó Alipay chiếm 61,5% số giao dịch. Độ tuổi sử dụng nền tảng thanh toán này chủ yếu là thế hệ Y (sinh năm 1990s).
Gần đây, Alibaba giới thiệu mô hình chuỗi cửa hàng thực phẩm Hema, kết hợp trải nghiệm mua sắm trực tuyến với ngoài đời. Người dùng có thể thanh toán cho những món đồ mình mua bằng ví Alipay chỉ với 2 thao tác đơn giản: Tải ứng dụng Hema về điện thoại và quét mã vạch trên hàng hóa. Giới chuyên gia nhận định Hema đang đe dọa nghiêm trọng đến thẻ tín dụng.
Dịch vụ cho vay các khoản nhỏ của Alipay, tên là Jiebei đã được cung cấp đến 12 triệu người dùng, giá trị lên đến 43.4 tỉ đô. Tương tự, Wechat khai trương một ngân hàng trực tuyến của riêng mình có tên WeBank, cho phép người dùng Trung Quốc vay tín dụng tới 200,000 NDT (gần 700 triệu VND). Hiện tại, Alipay đang có khoảng 450 triệu người dùng, nhưng tham vọng của họ là cán mốc 2 tỷ người dùng vào năm 2025.
Ant Financial – công ty con của Alibaba Trung Quốc – lại không tập trung quá nhiều vào thanh toán xuyên biên giới mà thường đi theo phục vụ khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài. Quy mô khách du lịch Trung Quốc đủ lớn để tạo cho họ một bàn đạp thuận lợi, riêng trong năm 2016, gần 130 triệu khách đã đi du lịch nước ngoài. Lượng khách du lịch càng đông, sử dụng dịch vụ Alipay càng nhiều thì sự hiện diện thương hiệu của Alipay tại nước bản địa càng mạnh.
Ngân hàng truyền thống bị “ra rìa”?
Nên biết rằng, gần ¾ lượt mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc trong năm 2016 được thực hiện qua smartphone. Xu hướng này thực sự khiến cho các ngân hàng truyền thống đau đầu. Theo Forbes, trong năm 2015, các ngân hàng Trung Quốc đã mất tới 23 tỷ USD do sự nổi lên của Alipay và Tenpay.
Theo ước tính của Analysys Trung Quốc, UnionPay hiện chỉ kiểm soát khoảng 1,8% thị trường thanh toán di động Trung quốc (xét về khối lượng giao dịch). Để so sánh, thị trường thanh toán di động và trực tuyến Trung quốc tăng trưởng với tốc độ hơn 40% mỗi năm và đang chịu thế lưỡng độc quyền của Alipay – Tenpay, khi cùng với nhau, hai ông lớn này đang kiểm soát tới hơn 90% thị phần. “Các ngân hàng đã mất khoảng 23 tỷ USD phí giao dịch do khách hàng chuyển từ thanh toán thẻ - vốn là thế mạnh của ngân hàng – sang thanh toán điện tử và thanh toán di động – vốn là điểm yếu của họ”, AnalysisChina tính toán. Với đà này, con số tổn thất có thể tăng lên tới 61 tỷ USD vào năm 2020.
Nói chung, phí giao dịch thẻ chỉ chiếm khoảng 5 – 8% doanh thu của một ngân hàng Trung Quốc nên con số 23 tỷ USD có thể không quá lớn. Điều khiến các ngân hàng lo lắng nhất lúc này chính là dữ liệu giao dịch. Hàng chục tỷ giao dịch được tiến hành qua kênh online và di động trong năm 2016, đồng nghĩa với khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ. Các giao dịch của Alipay và TenPay không hề đi qua nền tảng ngân hàng hay mạng lưới thẻ của UnionPay mà có hệ thống thanh toán riêng. Khi người dùng thanh toán, tiền sẽ đi thẳng từ ngân hàng của họ sang tài khoản của họ trên Alipay, sau đó chuyển vào tài khoản người bán trên Alipay và cuối cùng là đổ về tài khoản ngân hàng của người bán.
Trong một giao dịch Alipay, thứ duy nhất mà ngân hàng xem được chính là khoản khấu trừ từ tài khoản của người dùng chạy sang Alipay, rồi sau đó một thời gian là khoản phát sinh có xuất hiện trong tài khoản của người bán được chuyển từ Alipay sang. Ngân hàng không thể biết được người dùng mua sắm ở đâu hay họ đã mua gì. Chỉ có Alipay và Tenpay biết được dữ liệu đó.
Đây thực sự là một tổn thất không thể diễn đạt bằng lời, nhất là khi thương mại điện tử tại Trung Quốc đang bùng nổ theo hướng “di động hóa” và “tích hợp trực tuyến với offline”. Theo iResearch, người dùng Trung Quốc đã chi tới 51 tỷ USD cho các dịch vụ “tích hợp trực tuyến với offline” trong năm 2016. Để có thể cung cấp dịch vụ kiểu này hiệu quả, các doanh nghiệp phải phân tích được thói quen người dùng, vị trí của họ, mô hình chi tiêu… Ai sở hữu dữ liệu, người đó kiểm soát được thị trường. Thật không may cho các ngân hàng, tất cả những dữ liệu này đang bị cướp khỏi tay họ. Do đó, ngoài việc liên minh với nhau để tăng thêm sức mạnh về big data, dường như các ngân hàng Trung Quốc không có nhiều sự lựa chọn.
Tại Đông Nam Á, Alipay lựa chọn hình thức mua lại các doanh nghiệp nội địa để mở rộng thị phần |
Chiến thuật “gửi chân” và “thâu tóm”
Tại Mỹ, khi Ant Financial – công ty con của Alibaba - công bố thương vụ mua lại Money Gram với giá 1,2 tỷ USD, thị trường thanh toán và thương mại điện tử toàn cầu đều giật mình. Souheil Badran - Chủ tịch Alipay khu vực Bắc Mỹ - từng tuyên bố: “Toàn cầu hóa là chìa khóa phát triển của Ant Financial”. Và kế hoạch “toàn cầu hóa” đó vượt khỏi phạm vi của thanh toán rất xa.
Trên thực tế, gửi tiền và cho vay tín dụng mới là mảng then chốt trong giải pháp kinh doanh của Ant Financial. Sau sự thành công của mô hình này tại Trung Quốc, Ant Financial chưa bao giờ che giấu ý định sẽ nhân rộng nó ra thị trường toàn cầu. “Alipay và Ant sẽ tiến tới cung cấp các dịch vụ tài chính như quản lý tài sản, tín dụng, bảo hiểm và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua việc hợp tác cùng các đối tác” - ông Badran khẳng định.
Với định hướng như vậy, dễ dàng nhận thấy Alipay đang đặt mình vào thế cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng và tổ chức tín dụng truyền thống. Nếu thương vụ thâu tóm Money Gram thành công, Alipay sẽ có khả năng tiếp cận nhiều người dùng Mỹ hơn, và không chỉ ở riêng Mỹ mà còn tập khách hàng trên toàn thế giới. Nếu Ant Financial biến MoneyGram ở Mỹ thành một cái gì đó to lớn như Alipay ở Trung Quốc, thì nó sẽ có một lượng thông tin lớn hơn về người dùng.
Đông Nam Á “đối mặt” Alipay
Tại Singapore, ngày 22/08/2017, Alipay kí kết hợp tác với Startup tài chính CC, với nền tảng thanh toán di động CCpay, mục tiêu là phục vụ 2,8 triệu khách du lịch Trung Quốc sang Singapore mỗi năm. Tuy nhiên, tham vọng của Alipay sẽ không chỉ dừng lại ở đó, mà muốn mở rộng sự tiếp cận đến người dùng Singapore.
Với mục tiêu tiến đến thanh toán không tiền mặt, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) ủng hộ việc thông qua một mã QR chung cho Singapore (SGQR) cho thanh toán điện tử ở thành phố. Tuy nhiên, bất kỳ giải pháp thanh toán nào cũng sẽ phải cạnh tranh với Alibaba và Alipay do sự phổ biến quá sâu rộng của hệ thống thanh toán này tại Singapore.
Trong khi đó, tại Thái lan, Alipay đã chính thức hợp tác với Thai Commercial Bank để triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua QR code cho người dùng Thái, mục tiêu đến cuối năm 2017 dịch vụ này sẽ được triển khai tại 200.000 cửa hàng trên khắp Thái Lan. Lượng khách du lịch rất đông từ Trung Quốc sang Thái góp phần rất lớn trong tiêu thụ nội địa ở Thái. Việc chinh phục thị trường này cũng sẽ giúp Alipay có tiền đề tốt hơn để xâm nhập các thị trường xung quanh như Lào và Myanmar. Tại Central Department Store đều cho phép sử dụng Alipay và khách Trnug Quốc chiếm 35% tổng số giao dịch; bản thân chủ cửa hàng cũng rất ủng hộ việc sử dụng Alipay.
Alipay cũng đang nhắm đến thị trường Malaysia, do lượng khách du lịch Trung Quốc đến đất nước này đạt ngưỡng 3 triệu khách/năm. Hiện các ngân hàng lớn của Malaysia (Public Bank và CMIB) đều đã kí kết hợp tác triển khai thanh toán điện tử với Alipay. Qua đó, Alipay sẽ xuất hiện tại các cửa hàng, chuỗi bán lẻ,… tiếp cận trực tiếp không chỉ khách du lịch Trung Quốc mà còn là người dùng Malaysia. Chiến lược hợp tác cùng các ngân hàng/tổ chức tín dụng/kênh thanh toán trong nội địa là chiến lược được Ant Financial áp dụng tại nhiều quốc gia.
Thị trường Đông Nam Á với lợi thế chưa có DN nội địa trong ngành nổi trội, sự phát triển chậm về công nghệ đã giúp Alipay dễ dàng thâm nhập và làm chủ cuộc chơi. Alibaba nhận ra nhữg tiềm năng rất lớn từ thị trường Đông Nam Á nên DN này đã lựa chọn hình thức mua lại các doanh nghiệp nội địa để mở rộng thị phần. Điều đó thể hiện ở động thái mua lại cổ phẩn của Lazada và chuyển thanh toán từ hệ thống cũ của Lazada (HelloPay) sang hệ thống thanh toán Alipay từ tháng 1 năm nay.../.