Ẩm Thực Mẹ Làm lan tỏa ẩm thực Việt ra thế giới
Với hướng đi riêng khai thác bữa cơm gia đình, kênh Ẩm Thực Mẹ Làm thành công sau hơn 3 tháng đăng tải clip đầu tiên vào tháng 9/2019. Đến nay kênh nhận hơn 855.000 lượt theo dõi. Những hình ảnh đem lại cái nhìn toàn cảnh về thôn quê Việt Nam, những món ăn đạm bạc, ẩn chứa tình mẫu tử mang nét giản dị, chân phương là yếu tố chính thuyết phục người xem.
Chủ nhân kênh Youtube này là Đồng Văn Hùng và mẹ anh Dương Thị Cường (sinh năm 1964, Thái Nguyên). Bắt đầu từ công việc nhiếp ảnh, Hùng tự mày mò và quay các video do mẹ nấu, giống như một cách lưu lại ký ức về những món ăn đã cùng anh lớn lên.
Những phân cảnh đơn giản đến từ việc sinh hoạt hàng ngày của gia đình, phần nào lay động tới trái tim người xem bởi họ tìm thấy ký ức của mình trong đó. Hình ảnh người mẹ chất phác, tảo tần và những bữa cơm đạm bạc, với nguyên liệu từ chính mảnh vườn xanh mướt rau mẹ trồng, bếp lửa mẹ canh…
Các video khiến cư dân mạng liên tưởng tới Lý Tử Thất – một vlogger có sức ảnh hưởng chuyên quay về cuộc sống thôn quê, ẩm thực, phong cảnh Trung Quốc. Đồng Văn Hùng cũng tự nhận là một người hâm mộ của Lý Tử Thất. Nhiều video được anh học hỏi và lấy cảm hứng từ vlogger nổi tiếng này. Khai thác từ chính những bữa cơm gia đình giản dị, anh không nghĩ có thể nhận được phản hồi tích cực, lan toả giá trị văn hoá ẩm thực Việt.
Cộng đồng quốc tế cũng để lại những bình luận như ấn tượng, bất ngờ. Đơn cử, Yim Veerasak, một người xem đến từ Malaysia chia sẻ cô và gia đình rất yêu thích công thức gà xào sả ớt và những nguyên liệu ở Việt Nam. “Mẹ bạn có cách nấu sáng tạo và tuyệt vời, cảm ơn vì đã mang Việt Nam tới gần hơn với chúng tôi”, cô nói.
Để tạo ra những thước hình đẹp, Đồng Văn Hùng chia sẻ công việc quay tốn khá nhiều thời gian. Thông thường anh mất khoảng 2 ngày, mỗi ngày quay từ sáng và có thể kết thúc muộn vào 10h tối. “Mỗi ngày quay, bữa cơm của 2 mẹ con sẽ muộn hơn, cũng có ngày phải quay lại nhiều lần hoặc thay đồ ăn vì để lâu sẽ bị hỏng”, Hùng nói về những khó khăn gặp phải.
Khó khăn lớn nhất nằm ở việc ghép cho các cảnh quay trở nên liền mạch. Hùng phải học từ cách ghép nhạc, chọn những bài nhạc nhẹ nhàng, sau đó ghép hình khớp. Mỗi video dài trung bình 8-10 phút, nhưng những cảnh quay có lúc lên tới 1.000 cảnh: Từ vườn hoa, cây lá, mây trời, tiếng dao thái, củ quả… để video chân thực nhất. “Quan trọng nhất là kiên nhẫn, vì những yếu tố thiên nhiên mình không thể kiểm soát, nếu căn chuẩn thời gian mới có những khuôn hình đẹp, đậm cảm xúc”, anh nói.
Bên cạnh đó, những thách thức khi làm video là sự sáng tạo góc quay, sự tỉ mỉ và chính xác, tính kiên nhẫn khi quay. Công việc tuy vất vả hơn nghề nhiếp ảnh nhưng Hùng luôn tích cực trong suy nghĩ, tin rằng không cần tạo áp lực quá cho bản thân, chỉ cần nỗ lực truyền tải những đặc trưng quê hương theo góc nhìn, cảm xúc của chính mình. Đổi lại, anh vui vẻ khi công việc đúng đam mê và được về nhà ăn cơm mẹ nấu nhiều hơn.
Không tự nhận mình là “sứ giả” du lịch, Đồng Văn Hùng tin rằng những thước phim sẽ phần nào góp một cái nhìn mới cho bạn bè quốc tế về hình ảnh làng quê Việt Nam, thúc đẩy đam mê xê dịch. Chàng trai trẻ sinh năm 1996 tự hào khoe video của mình được Lý Tử Thất – vlogger nổi tiếng Trung Quốc khen ngợi, những thành tích khác như đại diện Việt Nam tham dự Youtube FanFest 2020, mới đây nhất là tranh giải đề cử Youtuber ấn tượng nhất tại WeChoice Awards…
Bước sang năm 2021 với mảng tối không hề xán lạn cho ngành du lịch, Đồng Văn Hùng kì vọng rằng những thước phim trở thành “món ăn tinh thần” cho người dân trong nước lẫn quốc tế. Anh ấp ủ dự định phát triển những khung cảnh rộng hơn, thay vì gói gọn ở mảnh vườn, góc sân nhỏ, căn bếp… Đồng thời còn muốn tạo ra mạch cảm xúc cho người xem bằng cách đưa thêm nhân vật như hàng xóm, láng giềng… vào để bất kì ai xem cũng hình dung được sự chất phác, thân thiện của làng quê Việt.
“Mình muốn được nhắc đến với vai trò sứ giả ẩm thực lẫn người gợi ký ức quê hương, nhưng dù sao nó cũng tùy thuộc vào sự nỗ lực nữa. Trong năm tới, mình sẽ cố gắng đưa thêm phụ đề tiếng Anh vào để hiện thực hóa mục tiêu này”, Hùng nói.
Năm 2020 là năm nở rộ các kênh youtube ẩm thực ấn tượng. |
Gạt “sạn” những kênh ẩm thực phản cảm
Mặc dù trong bối cảnh Covid-19, 2020 vẫn là năm “nở rộ” của các kênh Youtube Việt Nam với nhiều nội dung đa dạng, phong phú về văn hoá, con người các vùng, miền trên cả nước. Riêng về nội dung ẩm thực, trải nghiệm món ăn vùng, miền, hướng dẫn nấu món ăn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam là mảng đề tài hấp dẫn rất nhiều Youtuber Việt.
Hiện nay nhiều youtuber có những hướng khai thác dồi dào như tour ẩm thực, tour du lịch trải nghiệm… như Khoai Lang Thang, Quỷ Cốc Tử, Quang Vinh, Vương Anh’s Cooking, Vo Quoc Channel… Các video clip trải nghiệm trên nền tảng mạng xã hội này đưa đến những thước phim sống động, chân thực về con người, ẩm thực và điểm đến, lan toả câu chuyện văn hoá, thu hút đông đảo bạn bè quốc tế. Vì vậy, các Youtuber cũng đóng vai trò như những “sứ giả” của du lịch Việt Nam, góp phần giới thiệu văn hoá Việt rộng rãi ra khắp thế giới.
Cũng theo chuyên gia ẩm thực Võ Quốc: “Việc sử dụng mạng xã hội quảng bá ẩm thực là xu hướng của thế giới, khi đa phần những thông tin truyền tải qua mạng xã hội nhanh hơn và rộng hơn”. Có thể kể đến những kênh nổi tiếng như Gordon Ramsay đạt mốc 17,2 triệu lượt đăng ký cùng hơn 3 tỷ người xem; kênh của Lý Tử Thất (Trung Quốc), cũng đạt 14,5 triệu lượt theo dõi tính đến năm 2021 với hơn 2 tỷ lượt xem, phần lớn người hâm mộ là người nước ngoài…
Tuy nhiên, bên cạnh những kênh ẩm thực có nội dung sáng tạo, hấp dẫn thì vẫn có nhiều kênh ẩm thực phản cảm, chiêu trò, phản khoa học, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người xem. Ví dụ, kênh Hưng Vlog đã bị cư dân mạng lên ánh mạnh mẽ vì đăng tải clip nấu cháo gia cầm nguyên lông hay kiểu ăn nội tạng động vật ngay khi giết mổ xong…, tiềm ẩn nguy cơ gây hiểm hoạ cho người làm theo. Hay kênh Bà Tân Vlog từng rất nổi tiếng, đạt mốc hàng triệu lượt theo dõi với ý tưởng món ăn siêu to, siêu khổng lồ cũng dính nhiều lùm xùm về nấu ăn mất vệ sinh, gian dối trong khâu chế biến…
Những hình ảnh này nếu lan toả đến bạn bè quốc tế sẽ để lại ấn tượng “méo mó” về văn hoá Việt. Nhiều vlogger vì “câu view” đã bất chấp hành xử vô văn hoá với những clip ăn uống phản cảm. Chuyên gia ẩm thực Võ Quốc nhấn mạnh: “Ẩm thực chính là văn hóa. Bởi vậy, khi làm về ẩm thực, phải làm một cách văn hóa”. Những “con sâu làm rầu nồi canh” cũng ảnh hưởng đến cộng đồng Youtuber ẩm thực Việt đang không ngừng nỗ lực để tạo ra những nội dung chân thật, chất lượng, vừa thể hiện sự tôn trọng với người xem, vừa là sự tôn trọng với văn hoá ẩm thực nước nhà.
Quả thực, trong những năm gần đây, mạng xã hội đang được tận dụng triệt để nhằm quảng bá văn hoá và du lịch Việt Nam. Xu hướng này được tin tưởng sẽ tiếp diễn trong năm 2021 khi dịch Covid-19 vẫn bùng phát ở nhiều nơi, du lịch quốc tế vẫn bị hạn chế. Tuy nhiên, để tránh tình trạng tự phát, thiếu kiểm soát về nội dung, một số Youtuber đề xuất các cơ quan chức năng cân nhắc “gom” những kênh Youtube được yêu thích để kết nối mạng lưới Youtuber có nội dung chất lượng.
Như vậy, người xem trong và ngoài nước có thể phần nào phân loại được chất lượng các kênh Youtube về ẩm thực hiện nay, khiến thị trường tự lựa chọn nội dung phù hợp với nhu cầu xem của mỗi người. Đồng thời, đây cũng là động lực khiến cộng đồng Youtuber ẩm thực chân chính chung tay giới thiệu, quảng bá những món ăn vùng miền, hoặc những món ăn thất truyền, đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam, rồi đến những chuyện lịch sử, văn hoá, hướng dẫn làm món ăn đó để tạo hiệu ứng truyền thông tốt hơn.
Anh Võ Quốc bày tỏ: “Tôi nghĩ chỉ cần Nhà nước đứng ra xây dựng kênh đó, kết hợp giữa quảng bá ẩm thực và du lịch thì sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân sẵn lòng chung tay”.