Vấn đề này đã được đề cập tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam” do Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức hôm nay (21/12).
Ông Nông Quốc Bình (Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS) đau đáu khi thấy ở một số vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là nơi du lịch, nhiều phong tục, tập quán, những giá trị truyền thống như âm nhạc, múa, trang phục… không những không được bảo tồn, phát huy mà đã dần mai một, thậm chí mất đi.
Theo phản ánh của ông Bùi Thanh Bình (Bảo Tàng Di sản Văn hóa Mường), đáng buồn là có những thanh thiếu niên DTTS thích nhảy các điệu nhảy du nhập từ bên ngoài hơn là đánh cồng chiêng, múa xòe. Đôi khi họ còn thấy xấu hổ với bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình mà chạy theo các trang phục mốt mới.
Ngay các lễ hội truyền thống được phục dựng tràn lan, rất lộn xộn về nội dung, hình thức, thậm chí bị làm sai lệch, sân khấu hóa, hiện tượng mê tín dị đoan có chiều hướng gia tăng… khiến môi trường văn hóa thiếu lành mạnh, các giá trị văn hóa cổ truyền không những không được bảo tồn phát huy mà còn có nguy cơ bị đẩy ra khỏi đời sống xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Theo PGS.TS Lê Ngọc Thắng (nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc), chính việc di chuyển nơi ở đã tác động không nhỏ đến sự thay đổi về văn hóa truyền thống của các DTTS.
Từ thực tế cuộc sống của những cộng đồng DTTS phải di dân để dành đất cho các dự án thủy điện, ông Du An (Chi hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Điện Biên) cho rằng, không giúp người dân an cư thì làm sao lạc nghiệp, làm sao bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Cần chú trọng công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc |
“Mất đi điểm tựa văn hóa sẽ để lại rất nhiều hệ lụy vì văn hóa là gốc cho sự phát triển bền vững của một dân tộc. Do vậy, nếu không bảo tồn văn hóa, DTTS sẽ thụ động, tự ti, dần mất đi những giá trị cốt lõi của dân tộc mình” – ông Bình nhận xét.
Thời gian qua, nhiều di sản văn học của các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Nùng… đã được lưu giữ, bảo tồn nhưng vẫn tự phát, chủ yếu do các dân tộc tự gìn giữ, phát huy mà thiếu sự giúp đỡ của các tổ chức văn hóa ở các cấp.
Để bảo tồn văn hóa, ông Bình đề nghị phải tổng kiểm kê các di sản văn hóa từng địa phương trên phạm vi toàn quốc, nghiên cứu một cách sâu sắc về giá trị của từng nhóm, từng loại di sản văn hóa để đề ra phương thức bảo tồn hiệu quả.
Còn ông Hoàng Tuấn Cư (Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội) đề nghị, cần đào tạo nhân lực nòng cốt cho công tác này, gắn bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế trên địa bàn.
Cùng với đó, Chính phủ, UBND các tỉnh cần có chương trình bảo tồn khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ trước nguy cơ mai một văn hóa của các dân tộc, đặc biệt DTTS ít người.
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho việc bảo tồn, trong đó khuyến khích các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa trên địa bàn.