Tỉnh Yên Bái luôn xác định quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân là nghĩa vụ và trách nhiệm của các cấp chính quyền. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực nghiên cứu sáng tạo, tìm kiếm mở rộng thị trường sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trước khó khăn đó, Yên Bái đã chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt, kịp thời các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 32 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu đã có 25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 17 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 08 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (giá so sánh 2010) đạt 7,11%, xếp vị trí thứ 2/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 14.200 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 19,6% so với năm 2020.
Năm 2021, toàn tỉnh thành lập mới 330 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 4.503 tỷ đồng (9 doanh nghiệp tư nhân, 186 Công ty TNHH 1 thành viên, 62 Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, 73 Công ty cổ phần), nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 2.658 doanh nghiệp (tăng 252 doanh nghiệp so với năm 2020). Tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 54 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 7.047 tỷ đồng, trong đó có 43 dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp - xây dựng.
Yên Bái cũng đã chấp thuận cho các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch, đề xuất 32 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực. Tính đến 15/3/2022, toàn tỉnh có 585 dự án (35 dự án FDI), tổng vốn đăng ký 86.911 tỷ đồng và 465,7 triệu USD, trong đó: 48 dự án đầu tư lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, tổng vốn đăng ký đầu tư 5.821 tỷ đồng và 78,6 triệu USD, 431 dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tổng vốn đăng ký đầu tư 61.213 tỷ đồng và 383 triệu USD, 106 dự án đầu tư lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ và các ngành kinh tế khác, tổng vốn đăng ký đầu tư 19.877 tỷ đồng và 4,0 triệu USD.
Một số sản phẩm có mức tăng đột biến như: quặng sắt và tinh quặng sắt tăng gần 45%, dăm gỗ tăng gần 30%,ván dán, ván ép tăng trên 36%,đá khối, đá lát tăng 26%, thép thanh hợp kim tăng trên 46%...
Doanh nghiệp thương mại, dịch vụ không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt gần 19 ngàn tỷ đồng, doanh thu dịch vụ đạt 691 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 226,2 triệu USD, tăng 37,8%.
Các doanh nghiệp tạo việc làm cho trên 43.000 lao động với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. Trong năm các doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 1.381 tỷ đồng, chiếm 58,5% tổng thu cân đối trên địa bàn, tăng 130 tỷ so cùng kỳ.