Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ( NTD).
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet |
Cố tình tiếp xúc với NTD đề nghị giao kết hợp đồng là vi phạm pháp luật
Mức phạt tối đa sẽ áp dụng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng. Cụ thể, phạt tiền từ 50-70 triệu đồng khi có hành vi lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng; kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD.
Đối với hành vi vi phạm về bán hàng tận cửa, mức phạt tiền sẽ từ 10-20 triệu đồng khi: Người bán hàng tận cửa không giới thiệu tên của tổ chức, cá nhân kinh doanh, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, trụ sở, địa chỉ cơ sở chịu trách nhiệm về đề nghị giao kết hợp đồng; người bán hàng tận cửa cố tình tiếp xúc với người tiêu dùng để đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp người tiêu dùng đã từ chối.
Mức phạt trên cũng áp dụng đối với hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên; có hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng. Số tiền phạt sẽ tăng lên từ 10-30 triệu đồng nếu có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng để ép buộc giao dịch.
Quảng cáo lừa đối, phạt tới 30 triệu đồng
Đặc biệt, với hành vi không thông báo công khai về hàng hóa khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó theo quy định; không báo cáo kết quả thu hồi hàng hóa có khuyết tật cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD theo quy định sẽ bị phạt từ 30- 50 triệu đồng, ngoài ra còn bị buộc sửa chữa hoặc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đối với hành vi vi phạm. Đối với hành vi quảng cáo lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng cũng bị phạt tiền từ 20- 30 triệu đồng
Thực tế hiện có rất nhiều hãng sữa hoặc thực phẩm chức năng sau khi đến từng nhà giới thiệu sản phẩm và khuyễn mãi NTD vài gói nhỏ sản phẩm để dùng thử, nhân viên của hãng đã xin thông tin cá nhân của NTD, họ nói là ghi thông tin chỉ để báo cáo lãnh đạo công ty là họ có đi thực tế, gặp người thật việc thật chứ không phải ăn bớt hàng của công ty.
Tuy nhiên, một thời gian sau, những người đã trót nhận hàng khuyến mãi và dại dột cho số điện thoại cá nhân thì vô cùng phiền toái bởi những cú điện thoại lạ liên tục quấy rầy, kể cả trong giờ hành chính và cả lúc đang ru con ngủ. Cuộc gọi nào cũng chỉ với thông tin hãng sữa (hoặc thực phẩm chức năng) của họ sắp có Hội thảo đánh giá tầm quan trọng của sản phẩm đối với sức khỏe NTD và mời chủ nhân của số điện thoại đó đến dự.
Họ cũng không quên hỏi xem NTD dùng sản phẩm của họ có hợp khẩu vị không và có ý kiến gì đóng góp...Không những vậy, rất nhiều chị em sau nhiều lần bị quấy rấy mà không biết nguyên do liền hỏi họ có số điện thoại của mình từ đâu thì họ chẳng cần giấu diếm mà khai rằng: “Chúng em xin số điện thoại của chị ở Khoa sản, bệnh viện X, Y, Z,,”...
Để điều chỉnh những hành vi không mấy lịch sự này, Nghị định 19/2012/NĐ-CP đã nâng mức xử phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng khi sử dụng thông tin của NTD không phù hợp với mục đích đã thông báo với NTD mà không được NTD đồng ý. Hành vi chuyển giao thông tin của NTD cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của NTD (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) cũng bị phạt với mức tiền trên. Đáng chú ý, mức phạt sẽ tăng thêm 10 triệu đồng (từ 20-30 triệu đồng) đối với các hành vi vi phạm trên nhưng trong trường hợp thông tin có liên quan là thông tin thuộc về bí mật cá nhân của NTD.
Thái Chi