Xử phạt vi phạm hành chính với người tham gia giao thông. Ảnh minh họa nguồn Internet |
Theo dự thảo Luật, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 20 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định khung phạt đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể, theo một trong các phương thức sau đây, nhưng không vượt quá mức phạt tiền tối đa của mỗi lĩnh vực quản lý nhà nước quy định tại Luật này, gồm xác định số tiền phạt tối thiểu, tối đa; xác định số lần, tỷ lệ phần trăm của giá trị, số lượng hàng hóa, tang vật vi phạm, đối tượng bị vi phạm.
Ngoài ra, đối với khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương, Chính phủ có thể quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông, an ninh trật tự và an toàn xã hội, xây dựng.
Trước dự thảo trên, những người phản đối lập luận rằng, điều đó sẽ phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật và việc xử phạt tiền cao không phải là giải pháp hữu hiệu để hạn chế vi phạm hành chính trong các đô thị lớn. Thêm vào đó, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã từng cho phép áp dụng mức phạt tại Hà Nội và T.PHCM được tăng từ 40 - 200% so với mức chung của toàn quốc cho rất nhiều hành vi vi phạm như sử dụng rượu bia quá nồng độ, không đội mũ bảo hiểm, đi bộ không đúng quy định…
Tuy nhiên, sau hơn một năm thi hành chưa được tổng kết đánh giá, số lượng các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại các đô thị lớn chưa có chiều hướng giảm. Vì vậy, chưa đủ cơ sở để ghi nhận trong dự thảo Luật.
Những ý kiến tán thành cũng thừa nhận, về nguyên tắc, chế tài pháp lý phải được áp dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc đối với đối tượng vi phạm. Nhưng do điều kiện, đặc điểm quản lý của từng địa bàn là không giống nhau, nhất là đối với các đô thị lớn, tình hình vi phạm hành chính phổ biến và diễn biến phức tạp nên cần thiết có quy định đặc thù phù hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Thực tế xử lý vi phạm hành chính thời gian qua cho thấy, mặc dù các cơ quan có thẩm quyền xử phạt ở các đô thị lớn đã thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về mức xử phạt tiền chung song vẫn không đủ sức răn đe, tình hình vi phạm hành chính vẫn không giảm mà có chiều hướng tăng, không đạt được hiệu quả và yêu cầu mong muốn.
Xuất phát từ thực tiễn ấy, TP. Hà Nội và TP. HCM đã nhiều lần đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định riêng quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với một số loại hành vi vi phạm áp dụng trên địa bàn 2 thành phố với mức xử phạt cao hơn so với mức chung theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 18/11/2002 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển của TP. HCM đến năm 2010.
Không những thế, cũng chính Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 đã cho phép được áp dụng thí điểm mức xử phạt tiền cao hơn đối với một số hành vi vi phạm trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt. Do vậy, “tinh thần tiến bộ” này cần tiếp tục được ghi nhận vào dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo nhận định của Bộ Tư pháp, việc cho phép khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương được phạt tiền cao hơn đối với cùng hành vi vi phạm trong một số lĩnh vực vừa nêu là phù hợp. Hơn nữa, vấn đề này cũng đã được Chính phủ thảo luận kỹ càng trong quá trình xây dựng Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, đồng thời đã được đưa vào dự án Luật Thủ đô và được đa số đại biểu Quốc hội tán thành.
Hàn Thu