Không chỉ vi phạm tố tụng trong quá trình thụ lý vụ án, thu thập chứng cứ, bản án do thẩm phán Nguyễn Đức Dương - Quyền Chánh án TAND huyện Mỹ Hào - xét xử còn có dấu hiệu thiếu khách quan.
Ảnh minh họa |
Tranh chấp vì từ ngữ
Cty sản xuất bao bì kim loại MPPL và Cty sơn Spanyc là các đối tác có quan hệ thương mại khá lâu dài, đã ký kết và thực hiện nhiều hợp đồng mua bán hộp thiếc từ năm 2006. Theo các hợp đồng mà hai Cty ký kết, Cty MPPL cung cấp cho Cty Spanyc sản phẩm “hộp thiếc” (hộp sắt lá mạ thiếc). Trong các hợp đồng đều có quy định “độ dày của thiếc” từ 0,22mm đến 0,25mm, bên trong “tráng vàng” (lớp vecni màu vàng).
Tuy nhiên, đến hợp đồng ký ngày 5/9/2009 thì hai bên phát sinh tranh chấp do Cty Spanyc chậm thanh toán số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Sau nhiều lần đòi nợ không được, Cty MPPL khởi kiện yêu cầu Cty Spanyc phải trả số tiền hàng chưa trả. Vụ kiện đã được TAND huyện Mỹ Hào, Hưng Yên thụ lý giải quyết.
Nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng Trong phần phát biểu ý kiến, đại diện VKS huyện Mỹ Hào đánh giá, việc giải quyết vụ kiện có nhiều vi phạm tố tụng. Trong đó, thẩm phán Nguyễn Đức Dương giải quyết vụ án nhưng không có quyết định phân công thẩm phán. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ kiện, thẩm phán mắc nhiều lỗi tố tụng, như: nhiều lần gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử không đúng pháp luật; trong thời gian tạm đình chỉ vụ án, chưa có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án nhưng vẫn tiến hành tố tụng. Ngay tại phiên tòa, thi điều khiển phiên tòa, thẩm phán đã không cho các bên thực hiện việc hòa giải mà tiến hành xét xử ngay. |
Trở thành bị đơn, Cty Spanyc cũng ngay lập tức có đơn phản tố, đòi Cty MPPL phải bồi thường thiệt hại do chất lượng hộp thiết không đảm bảo, hộp thiếc bị xét rỉ gây hỏng sơn. Tổng thiệt hại mà Cty Spanyc yêu cầu Tòa án buộc Cty MPPL phải bồi thường cả hộp thiếc và sơn bị hỏng lên tơi hơn 17 tỷ đồng.
Sau khi thụ lý vụ án, theo yêu cầu của đương sự, TAND huyện Mỹ Hào đã trưng cầu giám định chất lượng hộp thiếc tại Trung tâm kỹ thuật 1, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.
Theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự, các mẫu hộp đem giám định đều có độ dày lớn hơn độ dày nêu trong hợp đồng. Đặc biệt, trong kết luận giám định, Viện Khoa học hình sự cũng sử dụng tiêu chuẩn mạ thiếc chung là 2,5g/m2 để so sánh lớp thiếc mạ trên sắt lá mà Cty MPPL sử dụng làm hộp để cung cấp cho Cty Spanyc.
Ngày 23/4/2012, TAND huyện Mỹ Hào đã có công văn gửi Viện Khoa học hình sự cho rằng, hợp đồng giữa hai Cty có thỏa thuận về “độ dày của lớp mạ thiếc” thiếc là 0,22mm- 0,25mm và đề nghị Viện khoa học hình sự quy đổi từ đơn vị tính khối lượng (g/m2) sang đơn vị tính chiều dài đối với “lớp mạ thiếc” trên các hộp được lấy mẫu giám định.
Ngày 4/5/2012, Viện Khoa học hình sự đã có công văn giải thích rõ rằng, vỏ lon gửi giám định được sản xuất theo phương pháp mạ điện nên tiêu chuẩn chất lượng được tính theo khối lượng thiếc trên mét vuông (g/m2) và không tính theo đơn vị tính theo đơn vị hệ mét (mm). Song, theo yêu cầu của Tòa, Viện Khoa học hình sự cho rằng, “theo lý thuyết thì cũng có thể quy đổi được” trọng lượng thiếc mạ theo đơn vị đo chiều dài. Theo đó, lớp mạ thiếc trên các hộp do Cty MPPL có độ dày khoảng hơn 0,3 micromet.
Cũng từ lúc này, Cty Spanyc có đơn phản tố bổ sung và cho rằng, Cty MPPL vi phạm hợp đồng vì đã mạ thiếc không đủ độ dày từ 0,22mm đến 0,25mm. Vì, theo Cty Spanyc, hợp đồng mà hai bên ký kết quy định “độ dày của thiếc” là chỉ “độ dày của lớp mạ” chứ không phải là chỉ độ dày của chất liệu sắt lá mạ thiếc..
Cty MPPL thì khẳng định, “độ dày của thiếc” nêu trong hợp đồng là quy định về độ dày của lá thiếc (sắt lá mạ thiếc) chứ không phải độ dày của riêng lớp mạ thiếc vì không có nhà sản xuất sắt lá mạ thiếc nào có kỹ thuật để “mạ” một lớp thiếc dày hơn cả tấm sắt lá được mạ. Các tiêu chuẩn kỹ thuật mạ thiếc trên kim loại được Viện Khoa học hình sự nêu rõ và cũng là kỹ thuật mà ngành công nghiệp sản xuất sắt lá mạ thiếc cả thế giới đang thực hiện.
Việc Cty Spanyc cho rằng độ dày của lớp mạ từ 0,22mm-0,25mm là không đúng thực tế cũng như hợp đồng hai bên ký kết. Cty MPPL cũng chỉ ra trong các hợp đồng trước đó quy định rất rõ, độ dày nêu trên là độ dày của cả tấm sắt tráng thiếc chứ không phải quy định về độ dày của lớp mạ.
Giải thích hợp đồng theo… ý tòa
Tại phiên tòa ngày 18/7/2012, đại diện Viện Khoa học hình sự đã khẳng định rất rõ, theo phương pháp mạ điện thì không nhà sản xuất nào sử đụng đơn vị đo chiều dài (mm) để đo độ dày của lớp mạ trên kim loại. Với công nghệ “mạ nhúng” thì có thể sử dụng đơn vị đo là micromet (bằng một phần nghìn mm). Với “lời chứng này” thì việc hai bên không thỏa thuận “độ dày của thiếc” là 0,22mm -0,25mm không phải là để chỉ lớp mạ mà để chỉ chất liệu sắt lá mạ thiếc.
Trong phần nhận xét của bản án, HĐXX lại cho rằng, việc giải thích hợp đồng phải giải thích theo nghĩa phù hợp với tính chất của hợp đồng. Vì hộp thiếc được sản xuất để đựng sơn nên theo HĐXX, “độ dày của thiếc” trong hợp đồng là để chỉ độ dày của “lớp mạ”. Do đó, HĐXX cho rằng, việc hộp thiếc do Cty MPPL có lớp mạ chỉ dày từ 0,28-0,38 micromet, nhỏ hơn khoảng 1 nghìn lần so với hợp đồng, là vi phạm hợp đồng và Cty MPPL phải bồi thường.
Với nhận định này, TAND huyện Mỹ Hào đã buộc Cty MPPL phải bồi thường cả hộp thiếc và sơn cho Cty Spanyc. Điều đáng nói là số sơn này đã bị Cty Spanyc hủy bỏ từ trước đó. Sau khi hủy bỏ sơn, Cty này đã kê thiệt hại và ngay lập tức được Tòa chấp nhận. Theo hợp đồng ký ngày 5/9/2009, Cty MPPL cung cấp cho Cty Spanyc 200 nghìn hộp thiếc loại 1 và 5 lít, trị giá gần 3 tỷ đồng nhưng Tòa đã buộc Cty MPPL bồi thường cho hơn… 7,8 tỷ đồng.
Hai đương sự trong vụ án đã có cả chục hợp đồng mua bán một loại hàng hóa nên ý chí của các bên về hàng hóa không chỉ thể hiện trong một bản hợp đồng. Vì thế, khi có tranh chấp hợp đồng, lẽ ra Tòa cần xem xét ý chí của các bên trong các bản hợp đồng tương tự. Song, tòa án đã “lờ” đi những chứng cứ quan trọng này.
Đặc biệt là việc Tòa án đã không căn cứ vào các tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước và quốc tế về việc mạ thiếc trên kim loại để giải quyết tranh chấm mà lại “giải thích hợp đồng” theo ý Tòa. Việc không căn cứ vào cơ sở khoa học và các tiêu chuẩn kỹ thuật của việc mạ thiếc trên kim loại khiến cho phán quyết của tòa án thành thiếu khách quan nên bản án này cần phải xem xét lại.
Để làm rõ hơn tính khách quan trong phán quyết của Tòa án, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Ngô Trung Kiên - Cty luật Gia Long về các vấn đề “nóng” trong vụ án này. Thưa Luật sư, việc giải thích hợp đồng đối với các nội dung có tranh chấp phải được thực hiện theo nguyên tắc nào? - Nguyên tắc giải thích hợp đồng là phải căn cứ vào ý chí của các bên, không chỉ căn cứ vào ngôn từ của hợp đồng. Nếu một từ có thể làm cho các bên hiểu khác nhau về đối tượng của từ đó thì phải căn cứ xem các bên thỏa thuận điều gì trong hợp đồng. Có thể thấy được ý chí của các bên tham gia hợp đồng trong nhiều “chứng cứ”, như hành vi cụ thể của các bên khi thực hiện hợp đồng, các hợp đồng tương tự, các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành. Trường hợp ngôn ngữ mà hai bên thể hiện làm cho người ta hiểu một đối tượng không có thật thì phải căn cứ vào bản chất của đối tượng. Theo tôi, trong vụ việc này, nếu hai bên thỏa thuận lớp mạ thiếc dày “0,22mm-0,25mm” là thỏa thuận về một đối tượng không có thật vì không ai “mạ” thiếc có độ dày còn bằng hoặc lớn hơn kim loại được mạ. Lúc này, việc giải thích hợp đồng phải căn cứ vào tiêu chuẩn kỹ thuật chung của việc mạ kim loại để xác định ý chí của các bên. Theo ông, những vi phạm tố tụng của Tòa án có làm ảnh hưởng đến tính khách quan và phán quyết của Tòa hay không? - Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định trình tự giải quyết vụ án dân sự nhằm đảm bảo tính khách quan khi giải quyết vụ án. Có những vi phạm tố tụng sẽ làm ảnh hưởng đến phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sự khách quan của Tòa không chỉ phụ thuộc vào việc tuân thủ tố tụng mà còn phụ thuộc vào việc áp dụng luật nội dung. Khi một bản án được tuyên thiếu khách quan, áp dụng pháp luật không đúng lại được giải quyết với nhiều vi phạm tố tụng thì rõ ràng cần xem xét một cách toàn diện vụ án. Nếu vi phạm tố tụng là nguyên nhân của việc giải quyết vụ án không khách quan thì theo tôi, dù là vi phạm nhỏ thì cũng phải xử lý nghiêm minh bằng việc hủy bỏ bản án không khách quan để xét xử lại. Xin cảm ơn ông! |
Minh Ngọc