Năm thành phố lớn tại Việt Nam, tuy chỉ chiếm 35% dân số cả nước nhưng lượng chất thải rắn chiếm đến 70% tổng lượng rác thải toàn quốc. Đáng chú ý, 60-70% lượng rác này là rác hữu cơ - hiện đang là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, tăng chi phí xử lý và góp phần khan hiếm đất đai.
Ngoài ra, sự gia tăng của khối lượng rác thải nhựa cũng đóng góp lớn vào tổng khối lượng chất thải phát sinh. Chỉ tính riêng giai đoạn từ 1990 - 2015, khối lượng nhựa tiêu thụ tính theo đầu người tại Việt Nam đã tăng gần 11 lần. Nhu cầu sử dụng nhựa tăng cao đã kéo theo một lượng lớn rác thải nhựa thải ra môi trường. Theo nghiên cứu được công bố năm 2015, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các quốc gia thải ra nhiều rác thải nhựa nhất. Lượng rác thải không ngừng tăng cao mỗi ngày, tuy nhiên lại không được quản lý hiệu quả gây lãng phí tài nguyên, tốn kém chi phí, ô nhiễm không khí và ảnh hưởng sức khỏe, kinh tế, xã hội.
Ở Việt Nam, chi phí thu gom, vận chuyển và chôn lấp một tấn rác là 879.028 VNĐ/tấn. Trong khi đó, mức phí do người dân chi trả chỉ khoảng 218.630 VNĐ/tấn. Sau khi thu gom, rác thải chủ yếu được xử lý bằng cách chôn lấp (khoảng 63%, quá tải, không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm), đốt (khoảng 14%, gây ô nhiễm không khí) và tái chế một phần nhỏ (10%).
Để góp phần giải quyết tình trạng này, từ đầu năm 2021, huyện Đông Anh phối hợp với Trung tâm Live&Learn bắt đầu triển khai chương trình “Thu gom, phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình” Theo đó, rác thải sinh hoạt sẽ được phân loại thành 3 loại: rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại. Sau phân loại, rác hữu cơ được tái sử dụng cho các mục đích như: làm thức ăn cho gia súc, ủ phân bón cho cây trồng… Trong khi đó, rác tái chế được thu gom riêng và bán cho hệ thống đồng nát.
Tính đến ngày 30/3/2022 trên địa bàn huyện Đông Anh đã có 23 xã, thị trấn tham gia thực hiện chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà. Trong đó có 3 xã đã triển khai 100% các thôn trong xã (Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng), 20 xã và thị trấn còn lại (mỗi xã, thị trấn triển khai đến ít nhất 1 thôn hoặc tổ dân phố làm điểm). Đến hết tháng 2/2022 có 7.621 người tham gia triển khai mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ. Số hộ tham gia đăng ký tăng 146,81% so với giai đoạn ban đầu (5.191 người).
Theo báo cuối năm 2021 của phòng TNMT huyện Đông Anh: Năm 2021, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh là 227 tấn/ngày; trong khi đó, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong năm 2020 là 239 tấn/ngày. Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh năm 2021 thấp hơn so với năm 2020 khoảng hơn 12 tấn/ngày (do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình).
Theo kết quả kiểm kê từ hộ gia đình, việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm khoảng 50 – 70% khối lượng rác của mỗi hộ gia đình trước khi đổ rác. Khi tiến hành kiểm kê rác 9 xã tại huyện Đông Anh (với 309 hộ gia đình), thì lượng rác hữu cơ được phân loại xử lý tại hộ là 59%, rác tái chế thu gom cho ve chai 12%, và rác còn lại để đổ rác là 29%.
Hiệu quả về nhận thức và sự tham gia của người dân có thể thấy, nhận thức người dân được nâng cao về việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn: ban đầu các hộ còn ngại khó và bất tiện, nay đã từng bước thay đổi, hình thành ý thức và trách nhiệm trong việc phân loại và xử lý rác thải tại nhà, và đặc biệt sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt.