Áp lực lớn
Tài xế xe tải nói riêng và các phương tiện vận tải hàng hóa nói chung là một công việc nhiều áp lực, bữa ăn không đúng giờ, giấc ngủ không trọn vẹn, hiểm nguy, tai nạn luôn rình rập, làm việc không kể ngày đêm… Hiện nay, các chủ xe, doanh nghiệp vận tải hàng hóa tùy thuộc vào phương án hoạt động mà bố trí lái xe, nhân viên phụ xe. Thông thường các chủ xe không thuê phụ lái, phụ xe trực tiếp mà “giao khoán” cho lái xe để tự thuê phụ lái, phụ xe. Một số lái xe muốn tận dụng khoản tiền này nên chấp nhận làm một mình để có thêm thu nhập.
Trước sức ép về việc giao, nhận hàng đúng giờ, nhiều tài xế phải chạy thông liên tục 5-6 giờ, thậm chí còn hơn. Để đối phó với cơn buồn ngủ, sự mệt mỏi, trên xe họ luôn có sẵn cả lốc nước tăng lực, kẹo cao su, thuốc lá, cà phê… Thậm chí, một bộ phận tài xế còn sử dụng chất kích thích để tỉnh táo hơn khi lái xe. Thực tế này đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) do tài xế buồn ngủ, mất tập trung, hoặc trong tình trạng không tỉnh táo do dùng chất kích thích.
Theo chia sẻ của một tài xế xe tải, nếu xe có phụ lái, phụ xe thì những người này sẽ trợ giúp cho các tài xế như lo thủ tục giấy tờ, kiểm tra hàng hóa, kiểm tra phương tiện… để tài xế có thêm thời gian nghỉ ngơi cho những chặng đường vận chuyển tiếp. Phụ lái, phụ xe còn đóng vai trò người bạn đồng hành, trò chuyện cùng tài xế trên những chặng đường dài.
Tiêu chí an toàn hàng đầu
Theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, hiện nay, quy định chỉ cho phép lái xe được lái không quá 10 giờ/ngày và không được lái liên tục 4 giờ, phải có thời gian nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, với nhiều áp lực khác nhau, các tài xế vẫn phải lái xe liên tục trong nhiều giờ. Điều này làm tăng nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). “Trước tình trạng các vụ TNGT liên quan đến xe tải vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, trong đó không ít việc liên quan đến việc lái xe làm việc liên tục dẫn đến buồn ngủ, rất cần bổ sung thêm các quy định chặt chẽ, khắt khe hơn với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa nhằm đảm bảo ATGT” - ông Bình đề xuất.
Quy định tại Luật Giao thông đường bộ hiện hành không yêu cầu bắt buộc vận tải hành khách và hàng hóa có phụ xe. Tại Nghị định 100/2019 của Chính phủ có quy định mức xử phạt với vận tải hành khách mà không có nhân viên phục vụ trên xe, nhưng Nghị định này không có quy định với vận tải hàng hóa.
Cũng theo Thông tư 12/2020 của Bộ Giao thông Vận tải quy định chi tiết về việc xây dựng và thực hiện quy trình đảm bảo ATGT đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh vận tải, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải tìm hiểu, nắm bắt các điều kiện và tuyến đường vận chuyển loại hàng, quyết định bố trí lái xe, bố trí người phụ giúp và loại phương tiện vận chuyển nhằm đảm bảo ATGT.
Để giảm giá cước vận tải nhằm tăng sức cạnh tranh, trong điều kiện giá các yếu tố đầu vào thiết yếu khác giữ nguyên thì trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp vận tải đã phải tự tìm cách tiết giảm, “bớt xén” những thứ pháp luật không yêu cầu, trong đó có lương cho phụ xe.
Các chuyên gia cho rằng, tình trạng chưa được điều chỉnh cụ thể như vậy ít nhiều làm tăng áp lực cho tài xế, nên cần phải bổ sung quy định bắt buộc có thêm phụ xe trên phương tiện vận tải hàng hóa. Điều này mặc dù có thể làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhưng nó là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo ATGT.
GS.TS Từ Sỹ Sùa – giảng viên Đại học Giao thông Vận tải phân tích, lái xe, phụ xe của mỗi loại hình phương tiện đều có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Bổ sung quy định và hướng dẫn chi tiết về việc phải có nhân viên phục vụ trên xe tải không chỉ giúp chất lượng dịch vụ vận tải hàng hóa được nâng cao mà còn hạn chế các TNGT đáng tiếc.
“Khi xây dựng quy định cần khảo sát ý kiến từ các đơn vị vận tải, lái xe, đảm bảo sự phù hợp ở cả khía cạnh ATGT lẫn kinh tế. Trước mắt, nên bổ sung quy định phải có phụ xe cho nhóm phương tiện có nguy cơ rủi ro mất ATGT cao như các loại xe có trọng tải lớn từ 15 tấn trở lên hay xe container, sẽ tác động thấp nhất đến hiệu quả của doanh nghiệp vận tải. Ngoài bổ sung quy định có thêm phụ xe, các doanh nghiệp vận tải cũng phải cần quản lý chặt chẽ hơn nữa điều kiện sức khỏe của lái xe, nhất là kiểm soát lái xe sử dụng chất kích thích” - GS.TS Sùa kiến nghị.
Theo báo cáo gần đây, chi phí vận tải đường bộ của Việt Nam còn ở mức cao so với thế giới là do đa số các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa có quy mô nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, dẫn đến tỷ lệ xe có hàng 2 chiều thấp, tỷ lệ xe chạy rỗng ở mức cao, từ 30-50% số chuyến. Chi phí tiền lương cho lái xe chiếm khoảng 15% cơ cấu giá thành của loại hình vận tải này, chỉ đứng sau chi phí xăng dầu.
Một yếu tố khác cũng khiến doanh nghiệp vận tải đau đầu là các chi phí không chính thức trên đường, làm doanh nghiệp luôn phải tìm cách tiết giảm các khoản chi khác.