“Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu“

Hình minh họa.
Hình minh họa.
(PLO) -Ngày nay, xe đạp thường là phương tiện giao thông trong những quãng đường gần của người già và trẻ em. Nhưng, trong chiến tranh và thời kỳ bao cấp, xe đạp không những là tài sản lớn mà còn là phương tiện quan trọng phục vụ trong chiến đấu và đời sống.

“Đội quân” xe thồ vào mặt trận

"Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!" - những câu thơ của Tố Hữu trong bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" phần nào đã diễn tả sinh động không khí sôi nổi, quyết liệt của quân và dân ta trong những ngày chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ 1954.

Để có không khí quyết liệt mà hào hùng của mặt trận tất thắng đó, một trong những lực lượng đã tiếp tế lương, đạn, khí giới cho quân đội “ăn no, thắng lớn” là đạo quân xe đạp thồ.

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Đội quân xe đạp thồ là những thanh niên xung phong hỏa tuyến. Họ ở nhiều tỉnh phía Bắc, nhưng sách sử ghi lại, đông nhất là của hậu phương tỉnh Thanh Hóa. “Đội quân” xe đạp thồ lấy hàng hóa (lương thực, đạn dược) từ những kho hậu cần ở vùng xuôi, theo đường rừng xuyên lên phía Bắc, thẳng tới chiến trường Điện Biên. 

Để thồ hàng, mỗi chiếc xe đạp đều được gắn thêm một thanh gỗ dọc từ ống phuốc giữa lên quá yên xe vài gang tay để khi đẩy xe, lên dốc, người điều khiển sẽ tì vai vào thanh gỗ dọc đó để tăng sức đẩy.

Phanh xe cũng được gắn với đầu thanh gỗ dọc này. Còn ghi đông được buộc thêm một thanh gỗ dài để người điều khiển xe dễ dàng điều khiển. Nhờ sáng kiến này mà những chiếc xe thồ này đã "leo đèo, lội suối, băng rừng" một cách dễ dàng, vượt hàng trăm quãng đường hiểm hóc để đến nơi tập kết an toàn. 

Trong chiến dịch Điện Biên lịch sử, đội quân xe đạp thồ đã cung ứng cho mặt trận một khối lượng hàng hóa đáng kể, góp phần tích cực cho mặt trận chiến thắng. Có chiến sĩ đã thồ trên 3 tạ trọng lượng hàng hóa trên chiếc xe đạp của mình. Hiện nay, tại bảo tàng quân đội, một số chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn lưu giữ. 

Trong kháng chiến chống Mỹ, xe đạp thồ lại làm nhiệm vụ đưa hàng vào chiến trường. Trong cuốn "Lịch sử ngành giao thông vận tải Quảng Bình" do NXB giao thông vận tải ấn hành năm 1999 có những đoạn ghi lại dân công hỏa tuyến Thanh Hóa đã nhận hàng từ bãi tập kết ở Làng Ho (Lệ Thủy), theo đường rừng để chuyển vào chiến trường B5 (Quảng Trị).

Bộ đội đoàn 559 cũng có những binh trạm giữa rừng để gìn giữ và cấp phát xe đạp cho những đoàn dân công hỏa tuyến vào đây làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa tiếp trên một số cung đường. 

Hàng xa xỉ một thời

Sau hòa bình lập lại (1954), ở một số tỉnh miền Bắc, những loại gia súc như bò, ngựa giúp con người chuyên chở hàng hóa, vật liệu trên một số cung đường ngắn, đi kèm cỗ xe thích hợp. "Xe bò", "xe ngựa", mỗi loại xe đều có kết cấu riêng, có hai bánh, hoặc bốn bánh, bằng gỗ thông nhau bằng trục sắt có ổ bi và càng kéo phía trước. Còn xe đạp lại là mặt hàng xa xỉ, chủ yếu của một số hãng ở Pháp sản xuất được đưa sang thị trường Đông Dương trước đây. 

Theo tài liệu của một nhà nghiên cứu lịch sử xã hội ở Quảng Bình, sau giải phóng 1954, ở thị xã Đồng Hới với hơn 5 vạn dân mà chỉ có bảy nhà có bảy xe đạp, là những nhà buôn bán giàu có.

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Khoảng từ năm 1960, ở miền Bắc có nhà máy sản xuất xe đạp Thống Nhất. Nhưng bấy giờ, các linh kiện trong xe từ săm, lốp, ổ bi... đều mua từ nước ngoài về. Do vậy, giá thành mỗi chiếc xe đạp Thống Nhất là hơn 50 đồng (gạo lúc bấy giờ 1kg là bốn hào). Với giá xe như vậy, người nghèo không nghĩ tới. Mà người giàu cũng khó mua vì "cung" không đủ "cầu". 

Những năm ấy, xe đạp đều phải đăng ký ở phòng giao thông của Ty Công an. Xe đạp đăng ký tất nhiên phải có biển. Biển xe đạp hình chữ nhật, rộng gần bằng bàn tay người lớn, được treo ở phía dưới ống phuốc trên, trong khung xe đạp. Xe đạp quý và hiếm như vậy nên nó là một tài sản lớn của mỗi cá nhân, gia đình.

Dần dần, do nhu cầu, Bộ ngoại thương đã cho nhập một số xe đạp của nước ngoài sản xuất. Các loại xe đạp của Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc.... được đưa vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nó vẫn là loại hàng xa xỉ đối với những người có kinh tế "thường thường bậc trung" trở xuống.

Cùng với việc sản xuất và lắp ráp của nhà máy xe đạp "Thống Nhất", nhà máy Cao su Sao Vàng sau đó ra đời đã sản xuất săm, lốp. Tuy nhiên, cán bộ Nhà nước chỉ được mua theo dạng "phân phối". Các loại xe đạp và phụ tùng xe đạp cũng được phân phối như tất cả các mặt hàng tiêu dùng khác như: vải, đường, gạo, thịt heo, nước mắm..... 

Hàng phân phối có hai loại, phân phối toàn chiếc và phân phối phụ tùng. Loại phân phối toàn chiếc là ưu tiên cho các phòng ban của quốc phòng, an ninh. Thứ đến là thủ trưởng, thủ phó các cơ quan từ cấp tỉnh đến huyện, thị (nhưng rất hy hữu).

Loại phân phối thứ hai là phân phối phụ tùng gồm: xích, lốp, săm, bi, líp, tăm, vành. Loại hàng này được Ty Thương nghiệp phân phối về cho mỗi cơ quan với mỗi loại một số lượng có hạn. Các cán bộ trong mỗi cơ quan phải tự bình xét thứ tự cho từng cá nhân mỗi lần có hàng về.

Để tăng tuổi thọ của xe đạp, người ta phải dùng xích hỏng, đột ra từng lõi trục và vòng ắc trong mỗi mắt xích, quay 1800  rồi dập lại, xích lại “mới” như ban đầu. Còn líp xe có mòn thì đến thợ rèn lợp răng lại. Vì thế, ngày đó mới có những dịch vụ  “lợp líp và trở xích”, thợ làm không hết việc.

Năm 1965, Chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc mở rộng. Xe đạp trở thành phương tiện chủ yếu cho nhân dân, cán bộ đi gần hoặc đi xa. 

Do hàng hóa thiếu thốn của thời bao cấp nên trong dân gian bấy giờ có câu nói hài hước: "cơm ăn “Tào Tháo” (tức ăn hột bo bo (loại hạt lương thực cứng mà Liên Xô dùng trong chăn nuôi) không tiêu hóa được, bị “Tào Tháo” đuổi sau khi ăn xong), mặc áo "chuyên gia" (tức ở trần, vì không có áo mặc), ra đi xe “cố vấn”” ("cố vấn" ý nói xe đạp không có săm lốp nên vá cái này lên cái khác để đi tạm).

* Một câu trong lời bài hát "Xe đạp ơi" của nhạc sĩ Ngọc Lễ

Tháng 10 năm 1972, người viết bài được Bộ Giáo dục gửi công văn mời về Hà Nội dự và báo cáo về thành tích "phát huy tác dụng của tủ sách trong trường học". Ngày lên đường (đi xe đạp từ Quảng Bình ra Hà Nội hơn 300km đường liên thôn) sắp đến mà thầy hiệu trưởng lại đi dự Hội nghị giáo dục ở một trường cấp 3 bên kia, phía Nam sông Gianh.

Chưa có xe đạp, tôi liền thuyết phục anh họ bên vợ để mượn xe cho chuyến công tác đó. Trước tiên phải sang sông, đạp xe tới chỗ thầy hiệu trưởng đang họp để ký "công lệnh" đi đường và chủ yếu là xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo.

Con sông Phú Trịch, một nhánh của sông Gianh chảy qua huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, chia đôi lưu vực tại ngã ba sông Cửa Hác. Đò ngang qua sông ở đây khi nào cũng đầy khách, vì đây là tuyến đường chính lưu thông giữa Nam - Bắc sông Gianh.

Càng về chiều, khách quá giang càng nhiều. Chủ đò đành dồn ép xe đạp và người sang sông trên con đò nhỏ của mình. Do đến muộn nên xe đạp của tôi bị xếp chồng nằm ngang trên những xe đạp của khách xuống trước ở khoang giữa. Còn tôi cùng hai vị khách nữa thì cheo leo ngồi phía đuôi con đò, sau chiếc chèo lái của chủ đò.

Vừa ra giữa sông thì bỗng dưng có máy bay Mỹ rạt qua trên đầu. "Ngồi yên, không cựa quậy, đò chìm mất đó", ông chủ lái đò hét to để trấn an khách. Nhưng cũng không tránh được sự mất bình tĩnh của một vài người khách trên đò khi ngả nghiêng theo dõi chiếc máy bay vừa vút qua trên đầu.

Trong phút con đò chao nghiêng vì vừa có sóng lớn vì vừa có khách "cựa quậy", chiếc xe đạp tôi mượn do đặt trên cùng đã nhào xuống sông. Phản ứng nhanh, từ sau đuôi đò, mặc dù đang “thắng” áo quần sơ vin, tôi chúi đầu nhào xuống sông lặn, cố níu được bánh trước của xe đạp.

Nhưng tôi không kịp lấy hơi để lặn sâu nên ngạt thở, đành buông tay thả xe, ngoi lên mặt nước. Đò lướt xa, chủ đò phải quay lại đón tôi giữa dòng sông. Áo quần ướt sũng, tôi leo lên đò mà “hồn bay phách lạc” chỉ vì chiếc xe đạp đi mượn đã nằm dưới đáy sông.

Khi đò cập bờ bên kia sông, khách quá giang và chủ đò đều tỏ rõ thương xót cho tôi. Còn tôi thì rơi vào tâm trạng bế tắc. "Hai bánh xe bơm căng, chừ xe nó nổi chứ không chìm xuống đáy sông mô. Có lưới ra sông chăng lại thì vớt được xe đó", một khách vừa qua chuyến đò cùng tôi hiến kế.

Nhưng thuyền đâu, lưới đâu để thực hiện điều đó? Hoàng hôn xuống nhanh càng làm tâm trí tôi như đống tơ vò. Mất xe, tiền đâu mua xe mà đền? Dù có tiền cũng lấy xe đâu mà mua? Bao nhiêu điều rối rắm ùa đến trong đầu.

Vừa lúc đó, một chiếc thuyền nhỏ của một gia đình gồm hai vợ chồng và cậu con trai hơn 10 tuổi đi chăng lưới đánh cá từ mạn dưới cửa sông Hác về. Thuyền họ từ từ chèo đến. Thấy trên bờ đông người, đôi vợ chồng liền ghé thuyền lại hỏi han. Khi nghe hết mọi chuyện, đặc biệt là câu nói của một vị khách vừa qua đò góp vào: "Giúp chú ấy với, chú ấy là thầy giáo cấp 3, sang sông đi công tác mà gặp điều không may đó", đôi vợ chồng trẻ lập tức đồng ý. 

Hai vợ chồng và cậu con trai chèo đò ra giữa dòng sông và buông lưới vây. Những người dân bên bờ Nam sông Phú Trịch kéo ra, kéo hai múi dây hai đầu của vằng lưới vào bờ. Thật may mắn, vì nước sông chưa chảy mạnh nên chiếc xe đạp mượn của tôi lập lờ giữa sông mà trôi chưa xa.

Vằng lưới vây bủa đã kéo được chiếc xe đạp của tôi vào bờ. Thấy đôi vợ chồng trẻ trên chiếc thuyền đánh cá nhỏ đó gỡ chiếc xe đạp từ vằng lưới nghề của họ ra, trao lại mà nước mắt tôi trào ra. Tôi cảm ơn họ mà không nói nổi lời.

Xong việc, đôi vợ chồng trẻ thu lại lưới lên thuyền, từ biệt tôi và mọi người bên bờ sông rồi chèo lên Cồn Sẻ, hòn đảo nhỏ giữa sông Gianh nơi xóm chài sinh sống.

Sau đó, một người thanh niên bước tới và nói: "Áo quần thầy ướt hết cả rồi, vào nhà, tôi đưa áo quần tôi cho mà thay. Thầy ở lại ăn cơm với chúng tôi kẻo trời tối rồi, mai sáng hẵng hay mọi việc còn lại".

Đêm đó, sau bữa cơm đạm bạc với gia đình người thanh niên tốt bụng bên bờ sông Phú Trịch, chuyện trò đến quá nửa đêm rồi đi ngủ mà tôi không sao ngủ được. Tình người bên cửa sông sao đẹp thế, nhân hậu đến thế. Đã 44 năm rồi, hình ảnh đẹp của những người có tấm lòng vàng đó như dấu ấn khắc đậm trong tâm khảm tôi.

Bến đò Phú Trịch của huyện Quảng Trạch, Quảng Bình nay không còn nữa. Cầu Quảng Hải bề thế phía trên đó một quãng nối đôi bờ Nam - Bắc sông Gianh của nhánh sông Phú Trịch đã khánh thành hơn 5 năm. Làng chài Cồn Sẻ nay nguy nga nhiều nhà cửa theo kiến trúc mới. Và gia đình người đánh cá năm xưa, ân nhân của tôi, có lẽ như bao dân chài khác cũng sẵn sàng cứu vớt, giúp đỡ người hoạn nạn như từng vô tư giúp tôi vớt xe đạp giữa dòng sông năm xưa.

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đọc thêm

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.