Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga đã báo cáo công tác theo dõi THPL với đoàn kiểm tra. Theo đó, để triển khai công tác này, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký ban hành Thông tư số 21/2016/TT-BGTVT, thay thế Thông tư số 58/2013/TTBGTVT, trong đó có 1 chương quy định về công tác theo dõi THPL ngành GTVT.
Từ ngày 1/10/2015 đến nay, Bộ đã ban hành các Kế hoạch theo dõi THPL trong lĩnh vực GTVT vào tháng 12 của năm trước năm thực hiện Kế hoạch. Các Kế hoạch đều xác định nhiệm vụ công tác theo dõi THPL gắn với nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của Bộ. Bộ cũng chủ động, kịp thời tham mưu Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định chi tiết, đảm bảo kịp thời triển khai các đạo luật đi vào cuộc sống…
Tuy nhiên, công tác theo dõi THPL còn một số tồn tại nên bà Nga kiến nghị nghiên cứu tổng kết tình hình thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình THPL để xem xét sửa đổi, bổ sung, tăng cường hoàn thiện hơn trong công tác theo dõi THPL; tổ chức tập huấn, hội thảo, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ công tác theo dõi cho đội ngũ cán bộ pháp chế.
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ GTVT cũng nêu nhiều đề xuất khác như cần tăng cường kiểm tra, giám sát thi hành sau khi văn bản đã được xây dựng, ban hành; đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành liên quan, quan tâm bố trí kinh phí chi cho hoạt động thanh tra chuyên ngành…
Các thành viên đoàn kiểm tra nêu một số vấn đề liên quan đến phạm vi quản lý của Bộ GTVT trên tinh thần trao đổi thẳng thắn. Chẳng hạn, vấn đề khá nổi cộm là việc thu phí BOT đã có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng nhưng vẫn tiếp tục thu thì Bộ GTVT xử lý tiếp như thế nào hay vụ khai thác, nạo vét lòng sông ở Bắc Ninh rất phức tạp, căng thẳng thì vai trò của Bộ ra sao… Đối với các đề nghị của Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL (Bộ Tư pháp) cho rằng, các bộ, ngành cần chủ động tập huấn cho cán bộ của mình, Bộ Tư pháp sẽ hỗ trợ tài liệu, báo cáo viên; nghiên cứu thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 34/2016/NĐ-CP, trong đó có nội dung chi trực tiếp cho công tác theo dõi THPL.
Thẳng thắn chia sẻ nhiều vấn đề trong xây dựng, thực thi pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật dẫn chứng, trong số 21 văn bản quy định chi tiết Bộ luật Hàng hải (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2017) thì hiện có 1 Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý và khai thác cảng biển vẫn chưa được ban hành vì thực tế phát triển của cảng biển Việt Nam rất đa dạng, quy định sao cho phù hợp đòi hỏi phải có thời gian.
Thứ trưởng Nhật cũng trăn trở với khó khăn trong thành lập Phòng Pháp chế của Sở GTVT địa phương. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nhật bày tỏ quan điểm xây dựng và thực thi pháp luật là để làm cho cuộc sống được tốt hơn, phục vụ người dân, phục vụ quá trình hội nhập quốc tế của đất nước được tốt hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GTVT rất rộng và trong xây dựng Nhà nước pháp quyền càng cần quan tâm đến pháp luật khi có nhiều bài học nhãn tiền về không tuân thủ pháp luật. Thứ trưởng Ngọc hiểu rằng mỗi chủ trương, chính sách của Bộ GTVT đưa ra đều hướng tới sự phát triển nhưng có chủ trương nhận được nhiều sự phản ánh khác nhau của dư luận thì có phải do cách làm hay không.
“Nên chăng tính toán cách làm để đạt được sự đồng thuận cao, vừa phù hợp yêu cầu chính đáng của người dân vừa bảo đảm quản lý nhà nước” – Thứ trưởng Ngọc gợi ý và đề nghị từ tình hình thực tế, Bộ GTVT nói riêng và các bộ, ngành nói chung phải quay lại hoàn thiện thể chế, có giải pháp cải thiện tình hình tuân thủ pháp luật của người dân.