Đổi mới mạnh mẽ cơ chế hoạt động KH&CN
Thông tin tại cuộc họp cho biết, sau hơn 10 năm thi hành, Luật KH&CN năm 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN. Đây là bước đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN; phát huy vai trò của các tổ chức KH&CN công lập trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN.
Đại diện Bộ KH&CN trình bày các nội dung chính của đề nghị xây dựng Luật KH&CN sửa đổi. |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật KH&CN 2013 đã cho thấy một số nội dung quy định chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn. Vì vậy, việc xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi) là cần thiết và sẽ tác động một cách tích cực, hiệu quả tới các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ.
Theo đó, Bộ KH&CN đề xuất 08 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi) gồm: Đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, quản lý nhà nước về KH&CN và đổi mới sáng tạo; đổi mới hoạt động của tổ chức KH&CN; phát triển nhân lực KH&CN và đổi mới sáng tạo; đổi mới phương thức triển khai chương trình, nhiệm vụ KH&CN gắn với hiệu quả; thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho KH&CN và đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng KH&CNvà đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phát triển thị trường KH&CN; tăng cường phổ biến tri thức KH&CN.
Đề xuất ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp KH&CN
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng phòng công nghệ, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel cho biết, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp có đầu tư cho hoạt động KH&CN, có đóng góp quan trọng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sự phát triển KH&CN của đất nước nhưng khó đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là doanh nghiệp KH&CN và hưởng chính sách ưu đãi về thuế. Vì vậy, ông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung các quy định ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp này để đẩy mạnh các hoạt động KH&CN.
Ông Nguyễn Hữu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu. |
Còn ông Nguyễn Hữu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đa số các sản phẩm KH&CN hiện nay mới chỉ là các sản phẩm dạng “thô”, chưa có khả năng áp dụng/khai thác/sử dụng ngay trong thực tiễn; đồng thời các quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao… vẫn còn chồng chéo, chưa phù hợp, chưa tạo ra sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp.
Do đó, theo ông, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, xác định rõ quyền của từng chủ thể đối với kết quả/sản phẩm KH&CN khi thương mại hóa trong trường hợp có sự tham gia hay đầu tư tài chính của nhiều chủ thể vào quá trình tạo ra sản phẩm. Trong đó cần phân biệt giữa nhiệm vụ nghiên cứu theo đặt hàng và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hay doanh nghiệp, ngân sách trung ương hay địa phương để có cơ chế, cách thức phân chia quyền thụ hưởng cho phù hợp.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng cho ý kiến cụ thể về: tên gọi của dự thảo Luật; quy định và thực tiễn triển khai Quỹ phát triển KH&CN của bộ, ngành, địa phương; chính sách phát triển khoa học xã hội; việc trao đổi nhân lực KH&CN giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp …
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy ghi nhận các góp ý. |
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá hồ sơ đề nghị xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi) đã cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng như Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tránh chồng lấn trong phạm vi áp dụng và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận. |
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định các cơ chế ưu đãi đối với hoạt động khoa học công nghệ, khoa học xã hội; đồng thời tách công tác đổi mới sáng tạo thành một chính sách riêng; từ đó xây dựng cơ chế hỗ trợ, thu hút đầu tư, thúc đẩy các hoạt động này phát triển. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu, bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc trong việc sử dụng kinh phí dành cho KH&CN và đổi mới sáng tạo cũng như trong việc quản lý hoạt động của các quỹ KH&CN ngay tại dự thảo Luật để các sản phẩm nghiên cứu KH&CN đi vào thực tiễn đời sống.