Cụ thể, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư khóa XI) được giới thiệu làm Tổng Bí thư khóa XII, đồng chí Trần Đại Quang (Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Bộ trưởng Bộ Công an) được giới thiệu làm Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc (Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Phó Thủ tướng) được giới thiệu làm Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân (Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Phó Chủ tịch Quốc hội) được giới thiệu làm Chủ tịch Quốc hội.
4 chức danh lãnh đạo chủ chốt trên đã được Ban chấp hành Trung ương khóa XI giới thiệu với Đại hội XII. Sau khi được bầu tại Đại hội XII, Ban chấp hành Trung ương khóa XII sẽ giới thiệu để Quốc hội bầu các chức danh lãnh đạo Nhà nước.
Khi Đại hội XII kết thúc và việc bầu 4 vị trị chủ chốt theo đúng như công tác chuẩn bị nhân sự của Ban chấp hành Trung ương khoá XI thì chỉ có Tổng Bí thư là giữ ngay trọng trách của mình; 3 chức danh còn lại là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội phải chờ đến Quốc hội khoá XIV sau cuộc bầu cử vào ngày 22-5-2016.
Đồng chí Vũ Trọng Kim cũng khẳng định, công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ ở ba Hội nghị Trung ương 12,13,14 khóa XI. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 14 chuẩn bị cho 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt.
“Trong Bộ Chính trị thảo luận rất kỹ từng trường hợp một. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Bộ Chính trị tín nhiệm hoàn toàn. Có một số đồng chí khác được giới thiệu thì tự rút để dồn sự tín nhiệm cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, đồng chí Vũ Trọng Kim cho biết.
Trung ương giới thiệu 5 đồng chí vào vị trí Tổng Bí thư và tiến hành 3 lần bỏ phiếu:
Lần thứ nhất chọn phương án chỉ giữ lại 1 vị trí Tổng Bí thư; phương án hai là giữ lại vị trí Tổng Bí thư và Chủ tịch nước; phương án ba là giữ lại cả ba vị trí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng. Trung ương bỏ phiếu chọn phương án 1.
Lần bỏ phiếu thứ hai, các đồng chí được đề cử chức danh trên đưa ra Trung ương cho ý kiến và Trung ương đồng ý để 4 đồng chí thôi tái cử.
Lần thứ ba là bỏ phiếu riêng đồng chí Nguyễn Phú Trọng và tỷ lệ phiếu cao giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư nhiệm kỳ khóa XII.
“Theo tôi về nhân sự chủ chốt làm như thế là rất kỹ và dân chủ. Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ Đại hội đã làm hết trách nhiệm của mình đối với Đại hội về chuẩn bị nhân sự. Tôi nghĩ rằng, Đại hội lần này, các đại biểu nhất định sẽ ủng hộ theo sự chuẩn bị kỹ của Trung ương khóa XI”, đồng chí Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.
Hôm nay (24/1), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sẽ làm việc tại đoàn cả ngày để thảo luận về tiêu chuẩn và cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Trong buổi sáng, tại các đoàn, đồng chí trưởng đoàn phổ biến với đoàn về báo cáo của Đoàn Chủ tịch về những thông tin cần thiết trong danh sách giới thiệu nhân sự ứng cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI chuẩn bị (nếu có). Các đại biểu nghiên cứu danh sách giới thiệu ứng cử, đề cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (chính thức và dự khuyết) do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI chuẩn bị.
Trong buổi chiều, các đại biểu trao đổi tiếp về tiêu chuẩn, cơ cấu, danh sách đề cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và nghiên cứu các tài liệu hồ sơ về nhân sự.Các đại biểu ghi phiếu ứng cử, đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đoàn Chủ tịch nghe các đồng chí trưởng đoàn báo cáo về danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Được biết, đại biểu sẽ ghi phiếu xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XII (nếu có) vào sáng 25/1, Đoàn Chủ tịch sẽ họp để xem xét các trường hợp xin rút. Đại hội thực hiện quy trình biểu quyết thông qua danh sách ứng cử, đề cử, các trường hợp xin rút trong buổi chiều cùng ngày để ngày 26/1 chính thức bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.