Nếu Đề án được thông qua không chỉ góp phần củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức GĐTP mà sẽ đóng góp hiệu quả cho hoạt động tố tụng, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Xã hội hóa GĐTP chưa đạt mục tiêu, yêu cầu
Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật GĐTP, công tác GĐTP đã có bước phát triển quan trọng. Cụ thể, tổ chức GĐTP được kiện toàn phù hợp với nhu cầu của từng lĩnh vực giám định; đội ngũ giám định viên tư pháp, người GĐTP theo vụ việc phát triển nhanh cả số lượng và chất lượng.
Các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, công bố rộng rãi danh sách tổ chức GĐTP theo vụ việc, người GĐTP theo vụ việc trong một số lĩnh vực trên cổng thông tin điện tử, qua đó thu hút các cá nhân, tổ chức ngoài công lập tham gia hoạt động GĐTP ở các lĩnh vực này một cách hiệu quả… Đặc biệt, thực hiện quy định của Luật, đã có 1 tổ chức giám định ngoài công lập là Văn phòng GĐTP Sài Gòn được UBND TP HCM cho phép thành lập từ năm 2013.
Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn chưa thực sự đáp ứng được mục tiêu GĐTP trong hoạt động tố tụng đã đề ra, nhất là số lượng vụ án kinh tế, tham nhũng gần đây có yêu cầu GĐTP ngày càng tăng về số lượng, phức tạp về nội dung cần giám định nhưng việc thực hiện xã hội hóa GĐTP còn rất chậm. Ngoài Văn phòng GĐTP Sài Gòn hoạt động giám định về tài chính, các lĩnh vực khác chưa có tổ chức GĐTP ngoài công lập nào được thành lập.
Trong bối cảnh đó, Luật GĐTP lại quy định giám định viên tư pháp phải có từ đủ 5 năm kinh nghiệm trở lên mới được thành lập văn phòng GĐTP là chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện thu hút người có nhu cầu.
Không những thế, các chế độ ưu đãi đối với việc xã hội hóa hoạt động GĐTP chưa phù hợp thực tế, chưa có cơ chế thu hút các tổ chức chuyên môn, doanh nghiệp ngoài nhà nước đủ năng lực tích cực tham gia vào quá trình xã hội hóa thông qua việc cung cấp dịch vụ giám định cho hoạt động tố tụng.
Đáng chú ý, công tác GĐTP trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, văn hóa thời gian qua do các bộ, ngành, sở chuyên môn hoặc cơ quan, đơn vị của Nhà nước làm kiêm nhiệm nên không phát huy được tính năng động, tự chủ và trách nhiệm.
Tổ chức GĐTP theo vụ việc ở khu vực ngoài nhà nước không nhiều, năng lực giám định còn hạn chế, chưa tạo được niềm tin đối với cơ quan tiến hành tố tụng. Mặt khác, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ tập trung trưng cầu các bộ, ngành, sở chuyên môn mà chưa chú trọng hướng đến trưng cầu các tổ chức GĐTP ngoài công lập thực hiện giám định.
Cần có “cú huých”
Trước thực trạng trên, Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng và vừa tổ chức cuộc họp Tổ soạn thảo Đề án đẩy mạnh xã hội hóa GĐTP trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng và các lĩnh vực khác theo quy định của Luật GĐTP để hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa GĐTP, hình thành được hệ thống các tổ chức GĐTP ngoài công lập ở các lĩnh vực được xã hội hóa.
Nêu một số vấn đề trọng tâm, mục đích, lý do cần thiết phải ban hành Đề án, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng khẳng định đây là một Đề án khó nhưng rất quan trọng. Thứ trưởng Trần Tiến Dũng yêu cầu phải dự báo được tính khả thi của Đề án, đồng thời xây dựng các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Nếu do thể chế phải đề xuất sửa đổi thể chế, còn nếu do thực tiễn phải có đề xuất, kiến nghị để có chỉ đạo trong quá trình tổ chức thực hiện, từ đó mới tạo ra cơ chế thực hiện phù hợp.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng về việc phải chú trọng đến tính khả thi khi xây dựng Đề án, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cũng cho biết thêm, Luật GĐTP đã quy định về xã hội hóa GĐTP ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện nay có các lĩnh vực đã khuyến khích xã hội hóa nhưng không có tổ chức GĐTP ngoài công lập như ngân hàng, xây dựng, văn hóa thông tin, đất đai môi trường, trong khi đây lại là những lĩnh vực mà các cơ quan tiến hành tố tụng có nhu cầu rất lớn.
Vì vậy, theo bà Yến, phải thực sự có được những giải pháp đột phá mới tạo nên “cú hích” thúc đẩy xã hội hóa GĐTP trong các lĩnh vực này.
Đáp lại mong muốn trên, nhiều ý kiến đồng tình với sự cần thiết ban hành Đề án và đã “hiến kế” hoàn thiện dự thảo Đề án. Trăn trở với một số lĩnh vực không thực hiện xã hội hóa được, trong đó có những lĩnh vực được “quyết” chủ trương xã hội hóa nhưng nhu cầu GĐTP lại không lớn, ông Mai Ngọc Dương (Ban Nội chính Trung ương) cho rằng cần tăng cường sự tham gia của toàn xã hội vào công tác GĐTP, huy động thêm sự đóng góp công sức, trí tuệ của các GĐTP theo vụ việc, người GĐTP theo vụ việc.
Ông Lê Đức Trường (C46, Bộ Công an) kiến nghị, muốn xã hội hóa thì vẫn phải có cơ chế giám sát của Nhà nước, tránh tình trạng “chạy giám định”. Ông Nguyễn Minh Châu (Cục Giám định, Bộ Xây dựng) thì đề xuất phải có cơ chế tương xứng về tài chính và thay đổi được nhận thức, thái độ của các tổ chức, cá nhân về GĐTP.
“Như vụ vỡ đường ống nước sông Đà, cơ quan tiến hành tố tụng không phải mời chúng tôi mà là triệu tập. Cơ quan nhà nước còn bị đối xử như vậy thì nếu tư nhân làm giám định còn bị đối xử ra sao” – ông Châu bày tỏ băn khoăn.