Theo AFP, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, dịch bệnh đã đạt đỉnh điểm ở Trung Quốc trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến 2/2 và số ca mắc mới ở nước này “đã giảm dần kể từ đó”.
“Virus này có thể được kiềm chế”, ông Ghebreyesus nói với các phóng viên, đồng thời ca ngợi Trung Quốc vì đã giúp ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh bùng phát ở quy mô lớn hơn thông qua các biện pháp phong tỏa và kiểm dịch chưa từng có ở trong hoặc gần tâm dịch.
Song, Tổng Giám đốc WHO cũng cho rằng sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh ở các nơi khác là “đáng lo ngại sâu sắc” và cảnh báo các nước cần phải chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch.
Cũng trong ngày 24/2, ông Bruce Aylward - người đứng đầu nhóm chuyên gia của WHO và Trung Quốc - cảnh báo virus corona có thể hoành hành thêm nhiều tháng.
Ông này cũng cho rằng các biện pháp mà Trung Quốc đã thực thi đã giúp ngăn khả năng hàng trăm nghìn người bị nhiễm bệnh.
Theo ông Aylward, thế giới có thể học hỏi cách tiếp cận của Trung Quốc trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2.
“Bài học lớn nhất duy nhất là tốc độ. Tốc độ là tất cả và điều khiến tôi lo ngại nhất đó là liệu các nơi khác trên thế giới đã học được bài học về tốc độ chưa”, vị chuyên gia nói, nhấn mạnh đến việc dịch đã bùng phát ở nhiều nước và số ca mắc đang gia tăng theo cấp số nhân.
Đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã khiến gần 2.600 người ở Trung Quốc thiệt mạng và khoảng 77.000 người đã bị nhiễm bệnh. Các ca bệnh và tử vong mới cũng đã được ghi nhận tại châu Âu, Trung Đông và châu Á trong những ngày gần đây.
Afghanistan, Bahrain, Iraq, Kuwait và Oman ngày 24/2 đều đã thông báo các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên.
Sự gia tăng các ca bệnh mới ở các nơi khác trên thế giới đã thúc đẩy giới chức một số nước áp dụng các biện pháp quyết liệt tương tự. Trong đó, Italia đã phong tỏa 11 thị trấn và Hàn Quốc đã ra lệnh cho toàn bộ 2,5 triệu cư dân của thành phố Daegu ở trong nhà.