Tờ Independent của Anh dẫn cơ sở dữ liệu do Đại học Johns Hopkins theo dõi cho hay, tính đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã lây nhiễm cho khoảng 80.000 người trên toàn cầu và hơn 2.600 người đã tử vong, chủ yếu ở Trung Quốc.
Tại Anh, cuối tuần qua, người đứng đầu cơ quan y tế của Anh xác nhận rằng 5 người được đưa từ tàu du lịch Diamond Princess trở lại Anh đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm virus ở Anh là 13 người. Bốn người này, cùng với 28 người khác, hiện đang bị cách ly ở Merseyide. Giáo sư Paul Hunter thuộc Đại học East Anglia cho rằng sự gia tăng các trường hợp nhiễm virus bên ngoài Trung Quốc gần đây là cực kỳ đáng quan ngại.
Giáo sư này cũng cho rằng những ca lây nhiễm ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Iran là đáng lo ngại và một loạt các trường hợp nhiễm virus ở Italia là một mối lo ngại lớn đối với châu Âu. “Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây đã nói về việc thu hẹp cửa sổ cơ hội để kiểm soát dịch bệnh hiện nay. Điểm bùng phát mà sau đó chúng ta không còn khả năng ngăn chặn một đại dịch toàn cầu dường như đã gần hơn rất nhiều sau mỗi 24 giờ”, Giáo sư Hunter cảnh báo. Tiến sĩ Bharat Pankhania - một giảng viên lâm sàng tại Đại học Exeter - trên tờ Daily Telegraph cũng cho rằng tất cả các thành tố quan trọng của một đại dịch hiện đều đã có. “Trung thực và nói ra điều đó sẽ tốt hơn”, Tiến sĩ Pankhania nói.
Các cảnh báo trên được đưa ra sau khi người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại một cuộc họp với các bộ trưởng y tế của các nước châu Phi đã bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện của các trường hợp không có mối liên hệ dịch tễ rõ ràng nào, như lịch sử đi lại tới Trung Quốc hoặc liên hệ với một trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh nào, đặc biệt là ở Iran.
Lo ngại về nguy cơ bùng phát đại dịch ngày 24/2 đã gia tăng với những diễn biến nghiêm trọng ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, giới chức Hàn Quốc cho biết đã có thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vong vì bệnh ở nước này lên thành 8 người. Số ca nhiễm virus ở Hàn Quốc cùng ngày đã tăng lên thành 833 người. Chỉ riêng tại thành phố Daegu và tỉnh Gyeongbuk đã có 681 trường hợp nhiễm bệnh. Còn tại Trung Quốc, số liệu thống kê do Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc công bố ngày 24/2 cho thấy, trong ngày 23/2, tại Trung Quốc đại lục có 409 ca nhiễm mới và 150 ca tử vong do bệnh Covid-19, nâng tổng số ca tử vong do bệnh ở nước này lên tới gần 2.600 người.
Kuwait tuyên bố đã phát hiện 3 trường hợp nhiễm virus Corona đầu tiên ở những người từng đi tới Iran, bao gồm một công dân Ả rập Xê-út. Bahrain và Afghanistan cũng đã công bố trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên, đưa tổng số nước có các trường hợp nhiễm virus lên thành hơn 30 nước. Đặc biệt, tại Iran, số ca tử vong của nước này ngày 24/2 đã tăng thêm 4 trường hợp, lên thành 12 người, là nơi có số người tử vong vì dịch cao nhất ngoài Trung Quốc. Số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy khoảng 25.000 người trên thế giới đã phục hồi sau khi bị nhiễm virus Corona.
Nhằm đối phó với dịch bệnh, tại Kỳ họp thứ 16 diễn ra ngày 24/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua quyết định về việc cấm hoàn toàn việc buôn bán động vật hoang dã ở nước này, đồng thời thông qua quyết định hoãn kỳ họp Quốc hội thường niên lẽ ra diễn ra vào tháng 3 tới tới một thời điểm thích hợp. Thời gian cụ thể sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Theo Hãng tin Tân Hoa xã, đề xuất cấm hoàn toàn việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc nhằm cấm hoàn toàn việc ăn động vật hoang dã và trấn áp hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp để “bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an ninh sinh thái” của nước này.
Động thái của cơ quan lập pháp Trung Quốc được đưa ra sau khi giới chức y tế nước này cho biết chủng mới của virus Corona có khả năng xuất hiện từ một khu chợ bán động vật hoang dã làm thức ăn ở trung tâm thành phố Vũ Hán. Hồi cuối tháng trước, sau khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát trên cả nước, Trung Quốc cũng đã ra lệnh cấm tạm thời việc buôn bán động vật hoang dã ở nước này “cho đến khi tình hình dịch bệnh trên toàn quốc kết thúc”.
Trước đây, Trung Quốc cũng đã ban bố lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã tương tự sau khi virus SARS khiến hàng trăm người ở Trung Quốc và Hongkong tử vong trong các năm 2002-2003 do virus gây bệnh cũng được cho là xuất phát từ việc tiêu thụ động vật hoang dã nhưng hoạt động này đã được nối lại chỉ một thời gian sau đó.