Tại phần kiến nghị với Quốc hội, báo cáo cho rằng cần nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ nhằm bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng.
Theo đó, cơ quan chức năng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi song cũng cần phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi. Việc này sẽ giúp tăng thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm phòng chống tội phạm vừa có trọng tâm, trọng điểm.
Theo báo cáo, thực tế, cán bộ vi phạm pháp luật nhưng không có yếu tố vụ lợi thường bị áp dụng theo Điều 219 BLHS (tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí) và Điều 360 (tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng). Trước việc này, báo cáo cho rằng chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục.
Đề xuất ưu tiên thu hồi tài sản, giảm phạt tù, tạo điều kiện cho khắc phục sai phạm kinh tế từng được ông Trí nhiều lần nêu quan điểm. Tháng 6/2022, khi tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, ông Trí cho rằng cách làm này sẽ thu hồi được phần lớn tài sản thất thoát do người vi phạm chủ động khắc phục để không bị xử lý. "Xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu nhưng cần giảm nhẹ cho người phải làm theo, do chấp hành mệnh lệnh và không vụ lợi nếu khai nhận, hợp tác tốt, khắc phục không còn hậu quả", Viện trưởng VKSNDTC từng nói.
Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội lần này, Viện trưởng VKSNDTC khẳng định với án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, VKSNDTC luôn yêu cầu VKSND các cấp phải xác định đúng bản chất, động cơ. Thời gian qua ngành Kiểm sát đã xử lý kịp thời, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản; áp dụng chặt chẽ các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế ngay từ giai đoạn tiếp nhận giải quyết nguồn tin về tội phạm cho đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Ngay trong Điều 1 của BLHS đã nêu một trong những nhiệm vụ của BLHS là “bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức”; “giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”. Trong Điều 3 nguyên tắc xử lý, có nguyên tắc “nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu”, “khoan hồng với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”. Vì vậy, đề xuất của Viện trưởng VKSNDTC được nhiều ý kiến đánh giá là cần được Quốc hội lưu ý; để bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.