Nhóm trộm “ve chai”
Nội dung vụ án: Năm 2014, Công ty TNHH Hương Trinh (quận Tân Bình, TPHCM) ký hợp đồng thuê kho nằm trong khu vực quản lý của công ty hàng không. Công ty này thuê kho trên để chứa vải và không có người quản lý. Trong kho để khoảng 900 cuộn vải chờ bán ra thị trường.
Ngày 9/7/2015, công ty Hương Trinh kiểm tra hàng thì phát hiện mất trộm 650 cây vải các loại và phát hiện số vải trên được bán ở chợ vải phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú). Công ty trình báo sự việc đến cơ quan điều tra, sau đó tự đi thu hồi được 43 cây vải,
Qua quá trình điều tra xác định: Nguyễn Thị Liên chuyên thu mua ve chai dạo, cùng 8 đối tượng khác chuyên nhặt ve chai trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là những đối tượng đã trực tiếp thực hiện hành vi trộm cắp vải của công ty Hương Trinh. Cụ thể, khoảng tháng 6/2015, Liên chỉ kho vải cho 8 đối tượng còn lại, các đối tượng này dùng tua vít mở cửa tấm tôn tạo lỗ hổng chui vào.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng trên khai nhận, hàng ngày bán đồ ve chai bán cho Liên, đến khoảng 18 giờ thì mở kho ăn trộm vải. Nhóm này phân công: một người mở cửa kho, hai người chui vào lỗ trống lần lượt lăn từng cây vải ra, các đối tượng còn lại ở ngoài cùng nhau vác vải ra khu vực tập kết. Sau đó khoảng 20 giờ cùng ngày, Liên điều xe tải đến chở. Mỗi lần các đối tượng trên lấy khoảng 40 đến 50 cây vải.
Các đối tượng đều khai Nguyễn Thị Liên là kẻ chủ mưu, là người bố trí xe cân vải, nhận tiền. Sau đó Liên đem chia tiền cho mọi người. Mỗi lần được từ 3 đến 4 triệu đồng. Theo lời khai, nhóm này đã 6 lần trộm vải tại kho của công ty Hương Trinh, mỗi người được chia khoảng 20 triệu đồng.
Tại bản kết luận định giá tài sản của hội đồng định giá tài sản kết luận: “Trị giá 650 cây vải các loại mà công ty Hương Trinh bị trộm mất, thời điểm tháng 6/2015 có tổng số tiền là hơn 2,6 tỷ đồng.
Riêng Nguyễn Thị Liên không thừa nhận việc tổ chức, bàn bạc, hướng dẫn các đối tượng trên thực hiện hành vi trộm vải. Liên khai trong 8 người thì có một số người là đồng hương quen biết, những người này nói là mua vải thanh lý và biết Liên thường xuyên mua ve chai trong khu vực sân bay nên đã nhờ Liên chở giùm vải ra khỏi sân bay. Liên khẳng định không biết số vải kia là tài sản trộm cắp.
Mặc dù Liên không thừa nhận nhưng VKS căn cứ vào lời khai của các bị can, các nhân chứng và những tài liệu chứng cứ khác đã đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội của Liên với vai trò chủ mưu cầm đầu.
Hành vi của các đối tượng đã bị VKSND TP.HCM truy tố điểm a, khoản 4 điều 138 Bộ Luật Hình Sự với mức hình phạt cao nhất là chung thân.
Dừng tòa chờ bị hại “đếm” tài sản
Ngày 29/12/2016, TAND TPHCM mở phiên xử sơ thẩm vụ án trộm cắp tài sản đối với bị cáo Nguyễn Thị Liên và các đồng phạm.
Tại tòa, 8 bị cáo còn lại đều đồng loạt khai Nguyễn Thị Liên là chủ mưu, chỉ các bị cáo kho vải, bố trí xe chở, cân vải, bán vải, chia tiền cho các bị cáo còn lại.
Trong đó bị cáo Liên khẳng định do các bị cáo khác nói mua vải thanh lý và đề nghị đi nhờ xe tải, Liên không biết hành vi phạm tội của 8 bị cáo còn lại. Liên phủ nhận cáo trạng của Viện kiểm sát và kêu oan.
Về số vải bị mất, 8 bị cáo chỉ xác định mỗi lần lấy khoảng 40-50 cây vải nhưng không bị cáo nào xác định được số lượng cụ thể.
Trong đó, đại diện phía bị hại khá lúng túng trong việc xác định chính xác số lượng vải đã mất. Kết quả điều tra bổ sung theo yêu cầu của Viện Kiểm Sát công ty Hương Trinh mua vải từ quý 4 năm 2014 và theo hóa đơn GTGT thể hiện số lượng vải 1087 cây để tại kho ở sân bay (thời điểm đó kho còn vải).
Đến ngày 13/2/2015, đoàn thanh tra Bộ Quốc Phòng kiểm tra kho thì phát hiện có khoảng 1915 cây vải (đoàn kiểm tra có lập biên bản làm việc) và thông báo yêu cầu di chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực cho thuê kho. Công ty Hương Trinh đã bán và di chuyển số lượng cây vải trên.
Số hàng còn lại trong kho khoảng 900 cây. Sau đó công ty phát hiện bị mất trộm vải, số vải còn khoảng 246 cây, số mất trộm khoảng 650 cây. Hiện công ty không nhớ đã bán số vải trên cho khách hàng nào.
HĐXX cho rằng số lượng tài sản mất là căn cứ quan trọng để định khung hình phạt cho các bị cáo. Do không xác định được số lượng vải đã mất, sau phần xét hỏi căng thẳng HĐXX đã quyết định tạm dừng phiên tòa chờ phía bị hại bổ sung hóa đơn chứng từ để xác định chính xác số lượng vải đã mất.
9 nữ bị cáo đứng trước vành móng ngựa, đều có gương mặt khắc khổ. Hầu hết họ là những phụ nữ Miền Trung tha hương vào Sài Gòn kiếm sống. Trong số họ có đến 6 người không biết chữ. Người “học cao” nhất mới hết cấp 2.
Có những bị cáo khai: Bị cáo không biết chữ, chồng đi làm giấy khai sinh nên bị cáo không biết con sinh ngày tháng năm nào. Lớn tuổi, không có trình độ nên họ đều chọn công việc nhặt ve chai với thu nhập từ 50-70 ngàn đồng/ngày để mưu sinh.