“Lúc đó khoảng hơn 12h trưa, mấy anh em chúng tôi còn đang trên ô tô để về Bến Tre lo tang cho bà, thì nhận được điện thoại người nhà thông báo cha tôi gặp TNGT đang được cấp cứu ở TP Bến Tre. Mấy anh em chạy thẳng đến bệnh viện thì ba tôi đã không còn biết gì.
Ông mất vào lúc 2h sáng ngày hôm sau tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) với vết thương: Vỡ trán, dập não trái, vỡ hai hốc mắt… Toàn bộ gương mặt cha tôi dập nát hết cả”, nam thanh niên run run. Tang trùng tang, bà nội và cha chỉ mất cách nhau có mấy tiếng đồng hồ.
Tang trùng tang
Theo phản ánh của anh Nguyễn Thanh Tùng (SN 1982, ngụ xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, con trai ông Nguyễn Văn Bé Tám), khoảng 11h trưa ngày 18/12/2016, bà nội của anh (Bà mẹ Việt Nam anh hùng) đột ngột qua đời. Cha mẹ anh vội vã thông báo cho các con ở TP HCM, đồng thời gấp rút chuẩn bị lo tang lễ cho bà.
Cha anh Tùng cùng ông Phan Văn Lanh (SN 1949 người anh em kết nghĩa) chạy xe máy đi mua hòm (quan tài). Trên đường đi, cha anh bị TNGT, tử vong ngay sau đó.
“Lúc đó khoảng hơn 12h trưa, mấy anh em chúng tôi còn đang trên ô tô để về Bến Tre lo tang cho bà, thì nhận được điện thoại người nhà thông báo cha tôi gặp TNGT đang được cấp cứu ở TP Bến Tre. Mấy anh em chạy thẳng đến bệnh viên thì ba tôi đã không còn biết gì.
Ông mất vào lúc 2h sáng ngày hôm sau tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) với vết thương: Vỡ trán, dập não trái, vỡ hai hốc mắt… Toàn bộ gương mặt cha tôi dập nát hết cả”, nam thanh niên run run. Tang trùng tang, bà nội và cha chỉ mất cách nhau có mấy tiếng đồng hồ.
Anh Tùng trình bày, sau khi cha mất được 3 tháng, gia đình nhận được thông báo của Cơ quan CSĐT Công an huyện Giồng Trôm về việc không khởi tố vụ án hình sự.
Nội dung thông báo nêu: Công an huyện đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Lý do ông Nguyễn Văn Bé Tám (SN 1957) điều khiển xe mô tô 71S1-8894 lưu thông trên đường huyện lộ 11 theo hướng từ UBND xã Thạnh Phú Đông đến đường tỉnh 887, khi đến khu vực ấp 6, xã Tân Lợi Thạnh, lưu thông không đúng phần đường quy định (lấn trái), va chạm vào xe mô tô 71C2-23133 do Nguyễn Văn Châu (SN 1987, ấp 4, xã Tân Hưng, huyện Ba Tri) điều khiển lưu thông theo hướng ngược lại.
Ngay khi nhận được thông báo, anh Tùng đã có đơn khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự trên. Trong đơn, người con trai đề nghị làm rõ việc ông Châu có giấy phép lái xe hay không; lái xe trong trạng thái say xỉn hay không? Vì sao nhân chứng là ông Lan, người chứng kiến toàn bộ sự việc trước, trong và sau tai nạn, không được đưa vào lấy lời khai làm rõ?
Sau đó, anh Tùng nhận được thông báo của của công an huyện về việc đã chuyển đơn đến VKSND huyện để giải quyết theo thẩm quyền.
Anh Tùng trình bày với phóng viên: “Khi tỉnh lại sau thời gian điều trị, bác Lanh kể ông thấy anh Châu chạy xe loạng choạng phía trước, ba tôi phải tránh sang bên trái nên đã xảy ra va chạm.
CQĐT không khởi tố vụ án vì cho rằng cha tôi đi trái đường, nhưng bản thân tôi thấy lời khai của bác Lanh là hợp lý, do anh Châu say rượu khiến cha tôi phải tránh sang làn đường bên trái, từ đó đã xảy ra tai nạn. Những yêu cầu tôi nêu trong đơn như nêu trên là cần thiết để làm sáng tỏ vụ án. Tuy nhiên cha tôi mất đã 4 tháng nhưng cơ quan tố tụng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho gia đình”.
Cơ quan tố tụng “đá bóng trách nhiệm”
Nhận thấy đơn phản ánh, cũng như trình bày của bạn đọc là có cơ sở, ngày 14/4 PL&TĐ đã tới huyện Giồng Trôm để làm việc.
10h30, phóng viên liên hệ với công an huyện để làm việc về nội dung đơn phản ánh của độc giả Nguyễn Thanh Tùng. Sau khi lưu lại thông tin cần thiết, cán bộ trực ban đề nghị đầu giờ chiều quay lại làm việc do “các cán bộ hiện không có ở cơ quan”.
13h30 cùng ngày, khi phóng viên quay lại, Trung úy Phạm Văn Phương, cán bộ trực ban cho biết: Cơ quan CSĐT đã có quyết định không khởi tố vụ án hình sự và chuyển sang VKS, nên đề nghị phóng viên liên hệ VKS để làm việc.
VKSND huyện Giồng Trôm cách trụ sở công an huyện khoảng 1km. Sau khi nghe sự việc, một nam kiểm sát viên cho biết: Lãnh đạo Viện hiện đang đi vắng.
Phóng viên đề nghị sắp xếp một lịch hẹn để làm việc, kiểm sát viên này ra ngoài khoảng hơn 30 phút thì quay lại trả lời: Hồ sơ gốc do cơ quan cảnh sát điều tra giữ, VKS chỉ giữ hồ sơ bản sao chụp, vì vậy đề nghị phóng viên quay lại làm việc với công an huyện để có thông tin chính xác.
Làm việc với công an huyện lần thứ 3, giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu của phóng viên tiếp tục được kiểm tra kỹ lưỡng một lần nữa. Sau đó một người tự xưng là cán bộ công an, nhưng mặc thường phục, trả lời: Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền khởi tố vụ án, còn việc khiếu nại tố cáo do VKS trả lời.
Khi phóng viên còn đang xin họ tên và chức vụ của cán bộ này thì cán bộ trực ban là Trung úy Phạm Văn Phương xen vào, cho biết anh mới là người có trách nhiệm trả lời.
Trung úy Phương cho rằng: Nếu phóng viên lấy thông tin để trả lời độc giả thì cơ quan cảnh sát điều tra đã có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, được VKS phê chuẩn. Do đó đề nghị phóng viên liên hệ VKS huyện để làm việc.
Và như vậy, với cùng một câu trả lời “không thuộc thẩm quyền của chúng tôi”, đến nay các cơ quan tố tụng huyện Giồng Trôm vẫn chưa xác định được ai là người có trách nhiệm trả lời khiếu nại của người dân. Không rõ nguyên nhân sự việc này là do trình độ, hay còn điều khuất tất nào khác?