Nhà nước được hưởng lợi từ hành vi tham ô?
Trước đó, phát biểu quan điểm luận tội, Kiểm sát viên (KSV) cho biết năm 2015, Thanh tra TP HCM thanh tra và ban hành kết luận về việc quản lý, sử dụng đất tại Sagri, xác định có 3 dự án do tổng công ty đầu tư để hợp tác kinh doanh, thành lập pháp nhân mới không thuộc ngành nghề kinh doanh chính, trong đó bao gồm dự án khu nhà ở tại khu đất trên.
Đồng thời, UBND TP HCM yêu cầu Sagri có phương án cơ cấu lại và thực hiện thoái hết số vốn đã đầu tư tại 3 dự án không đúng ngành nghề kinh doanh chính, trong đó có dự án nêu trên. Tuy nhiên, Lê Tấn Hùng và các bị cáo khác tại Sagri vẫn tiếp tục các thủ tục thực hiện phương án triển khai dự án khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9.
Đến tháng 9/2016, Sagri ký biên bản thỏa thuận về giá trị chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B với Tổng Công ty CP Phong Phú, sau đó thực hiện các thủ tục để hoàn thành việc chuyển nhượng dự án này cho Tổng Công ty Phong Phú.
Tại phần đối đáp, KSV giữ nguyên quan điểm luận tội, cho rằng việc truy tố các bị cáo về tội “Vi phạm quy định quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” (gây thiệt hại 672 tỷ) và tội “Tham ô tài sản” (13,3 tỷ ) như cáo trạng là chính xác.
Theo KSV, Sagri chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung liên quan đến việc thay đổi cơ cấu sử dụng đất làm tăng diện tích nhóm đất ở biệt thự nên dự án không đủ điều kiện và căn cứ pháp lý để chuyển nhượng; Sagri không xây dựng đề án tái cơ cấu, phương án thoái hết số vốn theo yêu cầu của UBND TP HCM. Việc chuyển nhượng dự án mà không tiến hành thẩm định giá theo giá thị trường, không tiến hành đấu giá... gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 672 tỉ đồng.
KSV còn cho rằng, các bị cáo cấp dưới của Hùng đều thừa nhận hành vi nhưng người đứng đầu lại không thừa nhận; lời bào chữa của các bị cáo nhiều phần mâu thuẫn với nhau. Cụ thể, các bị cáo ở nhóm Sagri nêu rõ đề nghị chuyển nhượng, còn việc được chuyển hay không do sở, ngành và cấp trên quyết định. Trong khi đó, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến và Trần Trọng Tuấn lại cho rằng lỗi này của Sagri. “Vô tình 2 nhóm bị cáo đổ lỗi cho nhau hay nói theo ngôn ngữ pháp lý là buộc tội lẫn nhau”, lời KSV.
Và theo KSV, không có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo thuộc nhóm tội “Tham ô tài sản”.
Trước đó, bào chữa cho bị cáo, một số luật sư cho rằng ý thức chiếm đoạt số tiền không có, bởi lý do khách quan năm 2016 không thể đi nước ngoài được. Có luật sư còn yêu cầu ghi nhận Nhà nước đang được hưởng lợi. Luật sư còn cho rằng bị cáo bị truy tố chưa đúng tội hoặc đúng tội nhưng chưa đúng người.
Tuy nhiên, KSV cho rằng trong vụ án này, có 2 nội dung mà các bị cáo và luật sư không thể phủ nhận là việc ký hợp đồng với các công ty du lịch. Cả 10 hợp đồng này chung nội dung cho công nhân đi nước ngoài học tập trao đổi kinh nghiệm. Sau khi ký hợp đồng, số tiền này đã được chuyển ra khỏi tài khoản của Sagri. Như vậy, không thể có chuyện Nhà nước được hưởng lợi từ hành vi tham ô của các bị cáo như một luật sư phát biểu.
Theo KSV, nếu cho đi với mục đích du lịch thì mức thanh toán không quá 1 tháng lương. Nhưng nếu đi học tập kinh nghiệm thì định mức thanh toán 100% chi phí chuyến đi, các bị cáo đã khai rõ tại cơ quan điều tra.
Ngoài ra, các hợp đồng thể hiện bị cáo Nguyễn Thị Thúy (Kế toán trưởng Sagri) và Trần Văn Trường (Công ty Du lịch Thanh niên xung phong) đã trao đổi thông tin với nhau qua email cá nhân, thời gian hiển thị trao đổi thông tin là từ 20/9/2016 đến 30/9/2016. Nhưng theo kế hoạch ngày khởi hành chuyến du lịch là 17/9/2016.
“Như vậy, thời gian thực hiện chuyến đi trước cả thời gian lên chương trình và không có chuyện lên kế hoạch mà không đi được, đây chính là hình thức hợp thức hóa hồ sơ”, KSV nói và cho rằng số tiền 13,3 tỷ đã lấy khỏi Sagri chính là thiệt hại của hành vi tham ô.
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Luật sư khẳng định cựu Phó Chủ tịch không đổ lỗi cho ai
Đối đáp quan điểm của KSV, Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến) cho rằng, việc chuyển nhượng dự án hiện nay có nhiều luật điều chỉnh. Do đó, cần xem xét quy định điều kiện chuyển nhượng dự án có gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất không.
Theo Luật sư, Luật Kinh doanh bất động sản quy định thẩm quyền UBND “cho phép” chuyển nhượng dự án, còn mẫu 11 kèm theo nghị định 76 dùng từ đề nghị “chấp thuận” chuyển nhượng dự án. “Vậy đây là quyết định cho chuyển nhượng dự án hay chấp thuận chủ trương?” - Luật sư Hoài nêu vấn đề.
Theo Luật sư Hoài, Sagri không góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Công ty Phong Phú cũng không xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị chuyển nhượng. Giám định viên Bộ Tài chính cũng xác định chưa có tài liệu thể hiện trong giá trị chuyển nhượng dự án có giá trị quyền sử dụng đất, các bên thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh, Sagri góp 28% vốn bằng tiền theo tiến độ dự án, không góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Ông Trần Vĩnh Tuyến chưa bao giờ hình dung trong việc chuyển nhượng giá trị dự án có giá trị quyền sử dụng đất.
Luật sư Hoài khẳng định, những ngày qua, ông Tuyến là người luôn nhìn nhận trách nhiệm của mình khi ký Quyết định 6077, đã thiếu sót trong rà soát, kiểm tra đôn đốc các bước triển khai của các sở, ngành và các bên chuyển nhượng, tuyệt đối không đổ lỗi cho ai.
Đồng thời, Luật sư Hoài cũng cho rằng, Công ty Phong Phú và Sagri đã thỏa thuận giải quyết tự nguyện với nhau. Do đó, hậu quả thiệt hại của vụ án 672 tỷ đồng là hoàn toàn không có căn cứ, tài sản vẫn do UBND TP kiểm soát, chấm dứt việc chuyển nhượng từ trước khi khởi tố vụ án…