Năm 1987, Huỳnh Thị Bích Phượng (SN 1972), ngụ ấp 3, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, Kiên Giang được cha ruột cho một thửa đất ở cùng ấp 3, nhưng không xác định diện tích do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ).
Năm 2010, bà Phượng cùng chồng là Trần Kiều Hưng (SN 1968), làm đơn xin cấp giấy CNQSDĐ với diện tích 17.440m2, tọa lạc tại ấp 3, xã Cửa Cạn, thời điểm này trên đất đã trồng 500 bụi tiêu và một số cây tràm bông vàng.
Theo đề nghị của Hội đồng tư vấn cấp giấy CNQSDĐ xã Cửa Cạn, ngày 15/8/2011, UBND huyện Phú Quốc cấp giấy CNQSDĐ với diện tích 6.750,5m2 cho vợ chồng ông Hưng. Sau khi được cấp giấy, vợ chồng ông Hưng thuê người chặt phá cây rừng trên phần đất được cấp để làm rẫy.
Ngày 2/11/2011, Trạm Kiểm lâm Cửa Cạn lập biên bản đình chỉ với lý do diện tích chặt phá nằm bên ngoài diện tích 6.750,5m2 mà vợ chồng ông Hưng được cấp giấy CNQSDĐ. Vợ chồng ông Hưng tiếp tục thuê người vào thu gom đốt các cây rừng đã chặt phá để trồng khoai mì, dừa và bị truy tố về tội “Hủy hoại rừng”.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 16/5/2013, Hội đồng xét xử căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường do Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc lập ngày 21/5/2012, xác dịnh diện tích đất rừng đặc dụng tại tiểu khu 81 phân khu phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia Phú Quốc bị Trần Kiều Hưng và Huỳnh Thị Bích Phượng chặt phá là 4.042m2, nằm ngoài diện tích đất 6.750,5m2 mà hai bị cáo đã được cấp giấy CNQSDĐ.
Từ đó, TAND huyện Phú Quốc tuyên phạt Trần Kiều Hưng 3 năm tù giam, Huỳnh Thị Bích Phượng 3 năm tù cho hưởng án treo cùng về tội “Hủy hoại rừng”. Không đồng tình với bản án sơ thẩm, cả hai bị cáo cùng kháng cáo đến TAND tỉnh Kiên Giang với nội dung kêu oan, cho rằng không phạm tội hủy hoại rừng vì chỉ chặt phá cây rừng trong phần đất đã được cấp giấy CNQSDĐ và nằm bên ngoài ranh của Vườn Quốc gia Phú Quốc (căn cứ vào các cột mốc đã được cặm là 103, 104, 105).
Trong phiên xử phúc thẩm ngày 31/3/2014, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm, trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Quốc điều tra, xét xử lại.
Ngày 17/11/2015, TAND huyện Phú Quốc tiếp tục đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm lần 2 đã tuyên các bị cáo Trần Kiều Hưng và Huỳnh Thị Bích Phượng không phạm tội “Hủy hoại rừng”.
Hội đồng xét xử nhận định: Việc cơ quan điều tra và VKSND huyện Phú Quốc chỉ căn cứ vào tọa độ các cột mốc trên bản đồ mốc Vườn Quốc gia để xác định ranh giới rừng mà không căn cứ vào vị trí các cột mốc ngoài thực địa là chưa phù hợp với quy định pháp luật; Truy tố các bị cáo về tội “Hủy hoại rừng” mà không xem xét đến các bản đồ địa chính, bản đồ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vị trí các cột mốc ngoài thực địa để xác định diện tích rừng bị chặt phá có nằm trong giấy CNQSDĐ đã cấp hay không và nằm trong hay ngoài ranh giới rừng; Không xem xét tính hợp pháp của hồ sơ ranh giới khu rừng là chưa khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.
Tại bản án hình sự phúc thẩm lần 1 ngày 31/3/2014 của TAND tỉnh Kiên Giang có nêu rõ những sai sót này và yêu cầu cấp sơ thẩm điều tra bổ sung để xét xử lại nhưng cơ quan điều tra và VKSND vẫn không điều tra lại đầy đủ những yêu cầu trên. Ngày 18/3/2015, TAND huyện Phú Quốc tiếp tục ra quyết định yêu cầu điều tra bổ sung những yêu cầu này nhưng VKSND cũng không thực hiện.
Qua xem xét toàn diện các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử xét thấy không đủ yếu tố để kết luận hành vi của các bị cáo cấu thành tội phạm như cáo trạng của VKSND huyện Phú Quốc và tuyên các bị cáo không phạm tội “Hủy hoại rừng”, các bị cáo được quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước.
Không đồng tình với bản án của Tòa, VKSND huyện Phú Quốc ra quyết định kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử theo hướng có tội đối với Trần Kiều Hưng và Huỳnh Thị Bích Phượng.
Ngày 19/10/2016, TAND tỉnh Kiên Giang tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án này và nghị án đến chiều ngày 26/10/2016 mới tuyên án. Theo Hội đồng xét xử, cấp sơ thẩm chưa đánh giá toàn diện các chứng cứ về vị trí, ranh giới diện tích đất rừng bị hủy hoại đã tuyên các bị cáo không phạm tội là chưa có cơ sở.
Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử quyết định chấp nhận kháng nghị của VKSND huyện Phú Quốc, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra xét xử lại theo thủ tục chung.